Làm người, ai cũng khao khát có được sự thành đạt trong cuộc sống. Nhưng điều mong muốn ấy sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu tự mỗi người không có sự nỗ lực. Để giúp cho bạn đọc và đặc biệt là các bạn trẻ có thêm kinh nghiệm và động lực để đi đến thành công, Stephen Covey, một chuyên gia về lý thuyết lãnh đạo, một nhà giáo, nhà tư vấn về quản lý, phương pháp sống đã biên soạn cuốn “7 thói quen để thành đạt”. Đây là một cuốn sách nổi tiếng được phát hành lần đầu tiên năm 1989, đã được dịch sang tiếng Việt và tái bản nhiều lần.Cuốn sách cung cấp một cẩm nang rèn luyện để đi đến thành công. Covey đã trình bày cách tiếp cận để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu với những “nguyên lý” rất cụ thể.

Với mong muốn cung cấp thêm một tài liệu tham khảo giúp cho mọi người có thể đi đến thành công một cách hiệu quả, CBĐS trân trọng giới thiệu cuốn: “7 thói quen để thành đạt” của Stephen Covey, do Vũ Tiến Phúc biên dịch. Sách do NXB Trẻ phối hợp với First News ấn hành năm 2007. Với 481 trang, sách được chia thành 4 chương:

Chương 1: Những khái niệm tổng quan

Chương 2: Thành tích cá nhân

Chương 3: Thành tích tập thể

Chương 4: Đổi mới

Theo luận giải của tác giả, thói quen là giao điểm của tri thức, kỹ năngvà khát vọng. Trong đó, tri thức là một mô thức lý thuyết, tức là làm gì và tại sao; kỹ năng là làm như thế nào; còn khát vọng là động cơ, là ý muốn hành động. Muốn tạo một thói quen trong cuộc sống cần phải có cả ba yếu tố này. Tính cách của mỗi chúng ta về cơ bản bắt nguồn từ những thói quen. Có những thói quen gắn với cá nhân và có thói quen gắn với tập thể. Để thay đổi thói quen, luốn phải bắt đầu từ chính mình. Marilyn Ferguson đã nhận định: “Mỗi cánh cửa của sự thay đổi vốn chỉ có thể mở được từ bên trong bản thân của mỗi người”. 7 thói quen để thành đạt được tác giả nêu trong cuốn sách bao gồm:

Thói quen thứ 1: Luôn chủ động

Chủ động không chỉ có nghĩa là bước đi đầu tiên. Đó là nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình trong quá khứ, hiện tại và tương lai và có sự lựa chọn dựa trên những nguyên tắc và giá trị chứ không đơn thuần cảm xúc nhất thời. Người chủ động sự thay đổi  bằng cách phát triển và sử dụng bốn khả năng thiên phú của con người đó là: Nhận thức bản thân, Lương tâm, Trí tưởng tượng và ý chí độc lập, theo cách tiếp cận từ trong ra ngoài để tạo sự thay đổi.

Họ quyết định trở thành nguồn lực sáng tạo trong chính cuộc đời mình, đó là quyết định quan trọng nhất mà một người có thể đề ra.

Thói quen thứ 2: Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định

Các cá nhân, gia đình, tập thể và tổ chức định hình trong tương lai của mình bằng cách sáng tạo ra một tầm nhìn và mục đích cho bất kỳ công việc nào. Họ không muốn sống ngày qua ngày mà không có mục tiêu rõ ràng. Họ xác định và cam kết với các nguyên tắc, giá trị, các mối quan hệ và những mục tiêu quan trọng nhất đối với họ. Tuyên ngôn sứ mệnh là hình thức cao nhất của sáng tạo tinh thần của một cá nhân, gia đình hoặc tổ chức. Đó là quyết định quan trọng nhất vì nó chi phối tất cả những quyết định khác. Tạo ra nền văn hóa đằng sau một sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị chung chính là cốt lõi của sự lãnh đạo.

Thói quen thứ 3: Ưu tiên cho những điều quan trọng nhất

Đây là thói quen quan trọng nhất đòi hỏi bạn tổ chức và hành động trên cơ sở xác định Mục đích, tầm nhìn, giá trị và những ưu tiên quan trọng nhất của mình. Những việc chính yếu không bị xếp lại phía sau. Các cá nhân và tổ chức tập trung vào những gì quan trọng nhất, bất kể nó khó khăn hay không. Điều quan trọng nhất là giữ cho những việc quan trọng nhất nằm ở vị trí quan trọng.

Thói quen thứ 4: Tư duy cùng thắng

Tư duy cùng thắng là tìm kiếm lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi tương tác. Đây chính là suy nghĩ về sự dồi dào của những cơ hội, của cải và nguồn lực cho tất cả mọi người, chứ không phải khan hiếm và cạnh tranh một mất một còn. Đây không phải là kiểu suy nghĩ ích kỷ (Thắng thua). Trong công việc và cuộc sống gia đình, các thành viên suy nghĩ một cách tương thuộc- theo nghĩa “tôi” là “Chúng ta”. Tư duy cùng thắng thúc đẩy giải quyết mâu thuẫn và giúp các cá nhân tìm kiếm giải pháp đem lại lợi ích chung. Đó là sự chia sẻ thông, quyền lực, sự công nhận và phần thưởng.

Thói quen thứ 5: Lắng nghe và thấu hiểu

Khi chúng ta lắng nghe với ý muốn thấu hiểu người khác, chứ không phải để đối đáp, thì đó là khi chúng ta bắt đầu một cuộc giao tiếp thật sự và gây dựng mối quan hệ. Khi nào người khác cảm thấy mình được thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy được ủng hộ và tôn trọng, hàng rào phòng thủ được hạ xuống, cơ hội nói chuyện cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau sẽ đến một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Muốn thấu hiểu người khác cần sự tử tế, muốn được người khác thấu hiểu cần sự can đảm. Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng giữa hai vế đó.

Thói quen thứ 6: Đồng tâm hiệp lực

Hợp tác cộng sinh nghĩa là tạo ra sức mạnh. Đó là kết quả của sự tôn trọng lẫn nhau, thấu hiểu và thậm chí tôn trọng sự khác biệt của người khác trong giải quyết vấn đề, và nắm bắt cơ hội. Những tập thể và gia đình đồng tâm hiệp lực phát triển mạnh mẽ dựa trên sức mạnh của từng cá nhân, khiến cho sức mạnh tổng thể mạnh hơn từng phần cộng lại.

Thói quen thứ 7: Rèn giũa bản thân

Không ngừng rèn luyện là việc liên tục đổi mới bản thân trên bốn mặt: Thể chất, tinh thần, trí tuệ và uan hệ  xã hội/tình cảm. Đó chính là thói quen giúp chúng ta tăng khả năng áp dụng những thói quen hiệu quả khác. Đối với một tổ chức, thói quen 7 nâng cao tầm nhìn, đổi mới, sự cải thiện liên tục, tránh tình trạng quá tải, kiệt quệ và đặt doanh nghiệp vào một lộ trình phát triển mới. Đối với gia đình, nó tăng cường tính hiệu quả trong những hoạt động thường lệ giữa các cá nhân, ví dụ như việc thiết lập truyền thống nuôi dưỡng sự đổi mới trong gia đình.

Cuộc sống ngày càng căng thẳng và khắc nghiệt, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải biết cân bằng giữa làm việc, học tập và nghỉ ngơi.Thành công chỉ đến với những người có khả năng cân bằng từ việc xây dựng cho mình các thói quen tích cực đúng như nhà triết học Aristotle đã từng nhận định: “Mỗi người thể hiện mình qua những việc mình làm. Thế nên, sự xuất sắc của một con người không phải là hành động, mà là thói quen”.  

Tìm đọc “ 7 thói quen để thành đạt ” của Stephen Covey, các bạn sẽ tìm ra các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với bản thân để thay đổi và hình thành các thói quen giúp bạn đạt được thành công trong cuộc sống.

Chúc các bạn thành công!

Bài này được xem 260 lần