Vừa qua,  Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt tập truyện ký Người lính phi công kể chuyện của tác giả Nguyễn Công Huy với132 trang. Ông Nguyễn Công Huy là một cựu phi công máy bay tiêm kích của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, là một nhân chứng sống, đã trực tiếp chiến đấu trên bầu trời Hà Nội vào những ngày tháng ác liệt năm 1972. Ông sinh năm 1947 tại Thường Tín, Hà Nội. Ông là cựu phi công tiêm kích MiG-21. Ông là một trong các phi công được đào tạo tại Liên Xô từ năm 1965.

Cuốn sách bắt đầu từ thời điểm chàng thanh niên Nguyễn Công Huy rời làng quê và mái trường phổ thông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để nhập ngũ. Ông là một trong số người được cử đi Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống học tập nơi xa xứ, các học viên bay trẻ tuổi một lòng quyết tâm sớm làm chủ máy bay và bầu trời, tôi luyện ý chí để trở về quê nhà chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chàng thanh niên 25 tuổi đã tham gia phi đội đánh đêm cùngvới những Anh hùng bắn rơi B-52 như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều… Các chiến công tiêu biểu của Không quân Việt Nam đã được Nguyễn Công Huy kể lại với nhiều kỷ niệm sống động và cảm xúc dâng trảo.

Cuốn sách đã kể về  không khí chiến đấu sục sôi của các phi công tiêm kích Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, đặc biệt là đội bay đêm. Ngay từ những trang đầu của cuốn sách, ông Nguyễn Công Huy đã chia sẻ:“Chiến trường trên không không có chiến hào, máy bay chỉ bay tiến, không biết dừng, không biết lùi. Bầu trời mênh mông không có nơi ẩn nấp. Dầu liệu có hạn, không thể bay từ sáng tới chiều, từ ngày này sang ngày khác được. Pháo ở mặt đất, các loại súng phòng không, các loại tên lửa phòng không bắn lên nhằng nhịt như những bức tường lửa. Hòn tên, mũi đạn bấy giờ đâu phân biệt được địch, ta. Đồng đội chỉ một vài người, có khi không có ai. Vào trận rồi, nháo nhào không sao liên lạc với nhau qua đối không được vì nhiễu…”  và chính từ cuộc chiến khốc liệt ấy đã tôi luyện chàng phi công ấy thành người chiến sĩ bất khả chiến bại như lời ông tâm sự “đủ ý chí để đương đầu với mọi khó khăn; cho tôi những bài học, những kinh nghiệm để tôi có thể lăn lộn trong cuộc sống, đứng vững được và cơ bản nhất, đó là dạy cho tôi biết làm người!”. Đọc sách, người đọc sẽ còn được chứng kiến cuộc sống của những chiến sĩ phi công độ ấy qua những câu chuyện hóm hỉnh và chân thực.

Qua lời kể của tác giả Nguyễn Công Huy, chúng ta sẽ phần nào hình dung ra sự ác liệt trên bầu trời miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, sự đối đầu giữa lực lượng không quân tiêm kích non trẻ của Việt Nam với lực lượng hùng hậu, thiện chiến của không quân Mỹ. Từng chuyến xuất kích, từng cuộc chiến trên bầu trời, căng thẳng tới nghẹt thở… sẽ khiến chúng ta thêm khâm phục và xúc động trước bản lĩnh, trí tuệ và ý chí của ông cha ta. Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022), Cùng bạn đọc sách trân trọng giới thiệu cuốn sách với các bạn và các em!

Người lính phi công kể chuyện:

Bài này được xem 346 lần