Ngày 1.11.2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg về đẩy mạnh hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi (Chỉ thị số 20). Đây có thể coi vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ quan trọng của thư viện trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc nói chung, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi nói riêng trong giai đoạn mới.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà, Chỉ thị số 20 được ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam và hình thành thế hệ đọc tương lai. Điểm mới của Chỉ thị là đã hướng tới đối tượng thiếu nhi và nhấn mạnh điều các thư viện, nhất là thư viện công cộng và thư viện trường học cần phải làm để xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Chỉ thị số 20 chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng môi trường đọc cho thiếu nhi ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa thực sự phù hợp và thuận lợi trong tiếp cận thông tin; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao và bền vững, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào là do các cấp, các ngành chưa quan tâm, đầu tư đúng mức; sự đổi mới hoạt động của thư viện chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn; sự phối hợp giữa thư viện trường học với các loại thư viện khác chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên.

Khác với các văn bản đã ban hành liên quan đến phát triển văn hóa đọc trước đây, nội dung Chỉ thị số 20 đã nêu ra những vấn đề cần thực hiện đối với bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với thiếu nhi, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Khuyến khích các phong trào đọc sách cho thiếu nhi từ trung ương đến cơ sở
Nguồn: hanoimoi.com.vn

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết thêm, một số biện pháp đã được chỉ rõ trong Chỉ thị số 20, cụ thể như: tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi. Củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện, hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn về thư viện trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường các xuất bản phẩm có chất lượng phục vụ thiếu nhi. Bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn.

Đặc biệt, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, đầu tư phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi. Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương”; tôn vinh những tấm gương ham đọc, ham học; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, các sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, nhằm tạo môi trường đọc thân thiện, thuận lợi nhất từ gia đình đến xã hội; tạo phong trào đọc đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, tăng cường khả năng tiếp cận xử lý thông tin, tri thức mọi lúc, mọi nơi; hình thành thói quen đọc sớm cho mọi lứa tuổi và phù hợp với mọi trình độ cho người dân học tập suốt đời. Đồng thời tạo nên sự đoàn kết, huy động nguồn lực xã hội hình thành sự gắn kết và sức mạnh, tạo đà quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc nước nhà.

Chỉ thị số 20 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ được giao cho các cơ quan truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông ở trung ương và địa phương, các nhà xuất bản tiếp tục triển khai xây dựng, đổi mới và phổ biến các chương trình, sản phẩm truyền thông về phát triển văn hóa đọc, chuyên mục về sách, trang bị kiến thức, kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin cho thiếu nhi…

“Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đã giúp cho các thư viện và toàn xã hội có được những định hướng cụ thể trong hình thành, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Chỉ thị khi được triển khai sâu rộng ở Việt Nam góp phần giúp cho trẻ em có thêm cơ hội được hướng dẫn, trang bị phương pháp, kỹ năng đọc hiệu quả, biết chọn lọc sử dụng thông tin hữu ích và thúc đẩy sự hình thành thế hệ trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, kỹ năng”, bà Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định.

Hương Sen

nguồn: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/phat-trien-van-hoa-doc-trong-giai-doan-moi-i310944/

Bài này được xem 266 lần