Sáng 31/3 tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra lễ ra mắt “Tủ sách đời người” và khởi động bình chọn “100 + cuốn sách nên đọc trong đời”.

Trong suốt cuộc đời mỗi người, từ lúc sinh ra, trưởng thành đến khi già đi, chúng ta luôn cần những cuốn sách đi cùng như người tri kỷ thầm lặng, như người thầy đáng tin cậy và đôi khi là người gắn kết văn hóa của mọi thế hệ dưới một mái nhà. Tuy vậy kho tàng tri thức của nhân loại là rộng lớn vô tận và ngay cả khi thực sự quan tâm đến việc đọc, đôi khi chúng ta vẫn không khỏi băn khoăn về việc: ở mỗi độ tuổi nên đọc sách gì, chọn lựa ra sao và đọc như thế nào? Hiểu được những thắc mắc và trăn trở đó, công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam quyết định ra mắt dự án “Tủ sách đời người” với mong muốn giúp độc giả tự xây dựng được thói quen đọc sách, biết cách chọn lọc tủ sách cho gia đình. Dự án do Công ty sách Omega Plus khởi xướng với sự đồng hành của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Thư viện Quốc gia, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con…

Ông Nguyễn Cảnh Bình phát biểu khai mạc

Ông Vũ Trọng Đại-Chủ tịch HĐQT Công ty sách Omega Plus cùng các vị khách mời

Tại buổi lễ cũng diễn ra hoạt động phát động cuộc bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời” mang tính xã hội nhằm thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của những độc giả quan tâm đến việc đọc và văn hóa đọc trên khắp cả nước và một cuộc giao lưu trao đổi với ba diễn giả là những người có kinh nghiệm và tâm huyết với văn hóa đọc.

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, người khởi xướng Chương trình Cùng bạn đọc sách: Nâng tầm trí tuệ Việt đã khẳng định đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và kỷ niệm 5 năm thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” do Thủ tướng phê duyệt năm 2017.

Bà Ngà đánh giá cao ý nghĩa của dự án. Bà.chia sẻ về truyền thống ham đọc, ham học của dân tộc. Trong mỗi gia đình có nền nếp gia giáo xưa đều có hòm sách, được coi như của quý trong nhà. Nhiều gia đình gia giáo dưới thời phong kiến đã quan tâm thực hiện phương châm “Dưỡng tử giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc” (Nuôi con dạy con biết đọc sách vì trong sách có vàng, ngọc). Tán thành phương thức bình chọn dựa vào ý kiến bạn đọc đồng thời có sự xem xét từ các “bộ lọc” là các chuyên gia, đồng thời bà cũng lưu ý xem xét thêm về những cuốn sách đã giúp cho bạn đọc thành công, thay đổi nhận thức từ những người đã thành đạt, nổi tiếng. Để dự án thành công, cùng với việc hình thành bộ sách, cần có sự lan tỏa để nhiều người biết đến tìm đọc và áp dụng những kiến thức, kỹ năng từ sách vào thực tiễn góp phấn phát triển, hoàn thiện trí tuệ, nhân cách và tâm hồn con người Việt Nam.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong phát triển văn hóa đọc đối với lứa tuổi thiếu nhi và hình thành văn hóa đọc trong gia đình.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Nhật Bản và những trải nghiệm của bản thân trong việc hình thành và phát triển văn hóa đọc.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia cho rằng trong suốt cuộc đời mỗi người, chúng ta luôn cần những cuốn sách đi cùng như người tri kỷ thầm lặng, như người thầy đáng tin cậy và đôi khi là yếu tố gắn kết các thế hệ dưới một mái nhà.

Đơn vị tổ chức gợi ý 7 tủ sách nhỏ để bạn đọc có thể dễ dàng đề xuất danh mục sách theo chủ đề bao gồm: Dành cho thiếu nhi, Văn học kinh điển thế giới, Văn học Việt Nam, Phát triển bản thân, Phong tục – Tập quán, Văn hóa – Giáo dục, Lịch sử – Tư tưởng.

Hà Phương

Bài này được xem 245 lần