Tác giả: Vũ Thị Hải Anh – Hội viên hội người mù quận Hoàn Kiếm

Có thể nói rằng mỗi học sinh, sinh viên chúng ta, từ thủa còn tấm bé, khi mới chỉ là những cô bé, cậu bé ngồi trên ghế nhà trường, đã có cho riêng mình những mơ ước dù là nhỏ bé. Có người thì ước mơ rằng sau này lớn lên, mình sẽ trở thành bác sĩ, giáo viên, phi công, thậm chí, có những ước mơ nghệ thật đơn sơ nhưng lại vô cùng to lớn. Người ta thường nói, ước mơ khi còn nhỏ thì mới chỉ là ước mơ không thể đem lợi ích gì cho tương lai nhưng hiếm ai trong chúng ta biết rằng, chính những ước mơ, khát vọng nhỏ bé ấy lại là nền tảng để chúng ta  trở thành những người có ích cho xã hội.

Từ những ước mơ, khát vọng thủa bé năm nào mà bản thân mỗi chúng ta luôn  luôn không ngừng học hỏi, tìm hiểu và  tự đọc, tự học trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Để rồi chẳng biết từ khi nào những ước mơ một thời trẻ con bỗng hóa thành hiện thực.

Trong thời điểm công nghệ 4.0 ngày một phát triển mạnh mẽ ở mọi mặt của  đời sống, một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên mải mê với   internet quay lưng lại với sách, chưa  coi trọng việc tự đọc, tự học để rèn luyện bản thân  thì cũng còn rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên khác luôn tự trau dồi bản thân qua sách vở và không ngừng phát triển văn  hóa đọc trong  cộng đồng và phần lớn họ đều thành công với những kiến thức từ sách.

 Điển hình có thể kể đến tấm gương vô cùng vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh ra trong cảnh loạn lạc, lớn lên chứng kiến nỗi đau nước mất, nhà tan, nỗi thống khổ của nhân dân. Mặc dù vậy, Bác Hồ vẫn  luôn luôn miệt mài  tự  đọc , tự học trong suốt cuộc đời, kể cả khi người đã trở thành vị lãnh  tụ của dân  tộc .  Và Bác  không chỉ đọc sách  bằng chữ quốc ngữ, sách Hán mà Người còn đọc cả sách Pháp. Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì ? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách báo Bác đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân và hình ảnh “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã đi vào lịch sử. Ngày nay, học sinh, sinh viên trên khắp Tổ quốc Việt Nam luôn lấy tấm gương của Người làm kim chỉ nam cho việc đọc và học tập suốt đời.

Chắc chúng ta cũng chưa quên, nhà leo núi tri thức vô địch trong chương trình đường lên đỉnh olympia năm 2021 vừa qua là bạn  Hoàng Khánh – học sinh của Trường Bạch Đằng, Quảng Ninh. Thầy cô, bè bạn của khánh chia sẻ: “Khánh rất hay đọc sách và đọc sách rất nhanh, bạn có thể đọc 1 trang sách trong vòng chưa đầy 10 giây và ghi nhớ các thông tin quan trọng trong trang sách đó. Mới nghe qua có lẽ chúng ta sẽ nghi ngại và không tin nhưng đó chính là sự thực và để có thể luyện được việc đọc sách nhanh, ghi nhớ kiến thức kĩ càng như vậy Khánh đã cố gắng,  luyện tập rất nhiều trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường.

Với hai tấm gương thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh  và bạn Hoàng Khánh nêu trên cho chúng ta thấy việc học và đọc, tự học suốt đời trong mỗi bản thân của học sinh sinh viên nói riêng và toàn thể cộng đồng nói chung là  nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo toàn đất nước, giúp cho đất nước ta không chỉ giàu đẹp về vật  chất mà còn trở thành một đất nước giàu tri thức có tình yêu thương với nhân loại. Có như vậy thì Việt Nam mới trở thành một đất nước sánh ngang với các  cường quốc năm châu như Bác Hồ đã từng mong đợi.

Việc mỗi học sinh, sinh viên tự đọc sách giúp bản thân chúng ta có thêm tri thức, mở rộng hiểu biết, thu thập thông tin một cách nhanh nhất.

Sách bồi dưỡng tinh thần, tình cảm cho chúng ta, để chúng ta trở thành người tốt, Sách là người bạn động viên,chia sẻ làm vơi đi nỗi buồn,  sách như những chuyến xe nối ta về quá khứ, đến tương lai, sách còn là người bạn sẽ không bao giờ bỏ ta trên con đường tự đọc, tự học suốt đời để trở thành những người có ích cho cộng đồng.

Là một người khiếm thị bẩm sinh, tôi đã luôn luôn phải đối mắt với nhiều sự kỳ thị của làng xóm và cộng đồng xã hội nhưng dù vậy tôi vẫn luôn có ước mơ để vươn lên, để vượt lên chiến thắng tất cả khó khăn và chiến thắng chính bản thân tôi.

Ước mơ trở thành một biên tập viên xuất phát từ chính những ngày tháng tôi bị nhốt trong bốn bức tường không được giao lưu với các bạn cùng trang lứa. Những cuốn sách nói phát ra từ chiếc radio nhỏ đã thắp lên ngọn lửa cháy bỏng giúp tôi luôn nỗ lực, cố gắng hết sức mình trong quá trình tôi đi học hòa nhập. tôi nhớ lại ngày tôi nói mình muốn trở thành biên  tập viên, phát thanh viên, bố mẹ tôi đã  ngần ngại, bạn bè tôi có những người đã  cười tưởng tôi chỉ nói chơi nhưng giờ đây, khi nghĩ lại những tháng ngày đó. Tôi thầm cảm ơn tất cả, vì chính sự ngần ngại của cha mẹ, bạn bè ngày nào đã giúp tôi  không  ngừng nỗ lực hết sức mình để  vươn tới ước mơ đó. Và người bạn lớn mà tôi muốn cảm ơn chính là sách…Những cuốn sách nói trên radio, trên kênh Youtube đã giúp tôi có hiểu biết hơn về mọi mặt của đời sống. Không thể nhìn thấy vạn vật xung quanh nhưng qua đọc sách, tôi biết được những màu sắc được thể hiện trên quần áo ra sao, tôi biết đến các doanh nhân, nghệ sĩ, ca sĩ trên khắp thế giới, tôi biết rằng tôi không phải là người quá thiệt thòi so với nhiều người khốn khổ khác.

Sách là nguồn động lực to lớn đưa tôi đến thế giới đầy sắc màu mà có lẽ, nếu không đọc, không nghe sách, không bao giờ tôi có thể biết tới.

Mỗi người Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên luôn phải đề cao việc tự học, tự đọc và rèn luyện tri thức, nâng cao hiểu biết để từ đó đóng góp sức mình vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Bài này được xem 198 lần