Thời gian qua, nhiều thư viện vẫn trong cảnh thưa vắng bạn đọc. Vậy cần làm gì để thu hút bạn đọc đến với thư viện?
Phóng viên Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Dương Thúy Ngà – nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
PV: Thưa bà, hiện nay cả nước có tới 50.000 thư viện, trong đó thư viện trường học có khoảng 27.000. Bà có thể chia sẻ về tiềm năng của thiết chế văn hóa thư viện nước ta?
TS Vũ Dương Thúy Ngà: Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới thư viện rộng khắp cả nước với các loại hình khác nhau, đó là một điều kiện rất căn bản giúp mọi người ở mỗi nghề nghiệp khác nhau, nơi sinh sống, học tập, công tác khác nhau cũng có thể thực hiện được việc tự học, trau dồi và nâng cao hiểu biết. Nếu các thư viện phát huy vai trò thực sự và việc đọc được người dân quan tâm nhiều hơn thì dân trí sẽ được cải thiện, con người sẽ sống đẹp hơn, vị tha hơn từ sự tác động của sách báo.
Hiện đã xây dựng được một hệ thống thể chế tạo động lực cho hoạt động thư viện và văn hóa đọc phát triển thông qua Luật Thư viện, nghị định của Chính phủ, các chương trình, đề án, chỉ thị do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành; các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và một số bộ, ngành.
Với sự khuyến khích của Nhà nước và ý thức của công dân, gắn với hoạt động thiện nguyện, việc xã hội hóa hoạt động thư viện cũng ngày càng được thúc đẩy. Điều đó thể hiện trên các bình diện như có thêm nhiều thư viện tư nhân và thư viện cộng đồng… Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước triển khai các hoạt động tài trợ, hỗ trợ cho thư viện về cơ sở vật chất, sách báo tài liệu, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức và bất cập trong hoạt động thư viện, thưa bà?
– Đúng vậy, các khó khăn, bất cập còn tồn tại khiến cho các thư viện chưa phát huy được vai trò cũng như thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Đầu tư cho thư viện hiện còn rất hạn chế. Chế độ đãi ngộ cho nhân viên thư viện còn bất cập, thiếu sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt vẫn còn tình trạng công tác thư viện ở không ít nơi chỉ tồn tại một cách rất hình thức.
Áp lực của tự chủ và giảm biên chế khiến nhiều nơi cắt giảm biên chế thư viện; việc sáp nhập, xếp đặt vị trí việc làm một cách cơ học khiến nhân viên thư viện không yên tâm công tác.
Thêm vào đó là sự thờ ơ của bạn đọc. Ngoài việc nhiều người chưa dành thời gian cho việc đọc; chưa hình thành thói quen, kỹ năng đọc thì xu hướng của nhiều người hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ thường thích đọc những nội dung ngắn gọn, xúc tích, nhanh. Điều đó dẫn đến tình trạng có những thư viện mở cửa nhưng thiếu bạn đọc.
Vậy theo bà, để tạo nên sức hấp dẫn cho thiết chế thư viện, cần phải làm gì?
– Trước hết là các cơ quan thành lập và quản lý phải tăng cường đầu tư cho thư viện để đảm bảo thực hiện được các chương trình, đề án đã được ban hành.
Các thư viện chỉ hấp dẫn bạn đọc khi xây dựng được một bộ sưu tập phong phú, với không gian thân thiện và nhiều dịch vụ bao gồm cả dịch vụ thư viện truyền thống và thư viện số. Việc chuyển đổi số phải được triển khai đồng bộ trong các thư viện để tăng cường khả năng tiếp cận cho bạn đọc, không phụ thuộc vào không gian và thời gian.
Tiếp đó là phải đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách theo quy định đối với nhân viên thư viện để họ có động lực thực hiện việc đổi mới hoạt động thư viện. Đồng thời phải thực hiện việc đào tạo để tiếp tục nâng cao trình độ và kỹ năng quản lý thư viện hiện đại. Và để làm được điều này, chỉ có nỗ lực của thư viện thôi thì chưa đủ, phải từ nhà trường, gia đình, xã hội và bản thân người đọc cần phải nhìn nhận đúng về ý nghĩa của việc đọc trong phát triển tri thức.
Theo bà cần có chính sách như thế nào để khích lệ người làm công tác thư viện?
– Để khích lệ tâm huyết và sáng tạo của người làm công tác thư viện, 2 chính sách đặc biệt quan trọng là đãi ngộ và khen thưởng. Hiện nay, thu nhập của nhân viên thư viện còn thấp, đặc biệt là trong các thư viện công cộng, trong các trường mẫu giáo, trường phổ thông và dạy nghề. Vì vậy, cần phải đảm bảo các chính sách đối với nhân viên thư viện.
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động rất lớn đến hoạt động thư viện. Điều đó đòi hỏi nhân viên thư viện phải thường xuyên được đào tạo và có ý thức tự đào tạo, học hỏi để đảm bảo cung ứng dịch vụ cho bạn đọc. Vì vậy, ngoài sự đãi ngộ tốt thì cũng cần có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời với những nhân viên thư viện có nhiều sáng kiến hoặc giải pháp hiệu quả trong triển khai cung ứng ứng dịch vụ, tổ chức hoạt động thư viện đạt hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn bà!
Việt Nam có số lượng thư viện công cộng cao nhất Đông Nam Á với tổng số 6.991 thư viện công cộng trên khắp cả nước. Thái Lan đứng thứ hai với 2.116 thư viện và Malaysia đứng thứ ba với 1.392 thư viện.
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
Bài này được xem 70 lần