Cùng với Chang hoang dã – Gấu, cuốn sách Súng, vi trùng và thép (Omega Plus và NXB Thế giới) của tác giả Jared Diamond đã vinh dự nhận được giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, người đã chuyển ngữ cuốn sách trên sang tiếng Việt cách đây 14 năm.
PHÓNG VIÊN: Ngay sau khi tác phẩm Súng, vi trùng và thép được trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2021, Omega Plus lên kế hoạch tái bản, đồng thời sẽ có chỉnh sửa và bổ sung Index (danh sách các từ khóa) để hoàn thiện thêm phần nội dung. Phải chăng ấn bản ra mắt trước đây có điều gì thiếu sót?
Dịch giả TRẦN TIỄN CAO ĐĂNG: Dù đã cố hết sức mình, song bản dịch chắc hẳn còn một số chỗ chưa được thỏa đáng. Tôi tin rằng, trước khi tái bản, Omega Plus đã cất công “dọn dẹp” một số lỗi nhỏ và bổ sung thêm một phần rất có giá trị đối với những bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn, là phần Index.
Súng, vi trùng và thép ra mắt bạn đọc thế giới vào năm 1997, được trao giải Pulitzer một năm sau đó. Sách cũng đã hiện diện ở Việt Nam 14 năm, qua nhiều lần tái bản. Theo anh, điều làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm này là gì?
Cuốn sách đề cập đến một câu hỏi lớn mà cho đến nay, theo tôi biết, vẫn chưa có câu trả lời thực sự thỏa đáng: Tại sao một số xã hội nhất định của loài người, cụ thể là các xã hội Tây Âu, đã phát triển sớm hơn và trở nên thống trị thế giới, chứ không phải những xã hội khác, ở châu Á, châu Phi chẳng hạn?
Câu trả lời của Jared Diamond, tuy còn nhiều “kẽ hở” cần được bổ khuyết, là một câu trả lời đáng kể và dũng cảm, bởi tác giả dựa vào toàn bộ giả thuyết của mình trên một khẳng định hùng hồn rằng “người da trắng từng có thời thống trị thế giới không phải bởi bất cứ sự ưu việt bẩm sinh nào của họ cả, mà chủ yếu là nhờ họ nhận được sự ưu đãi của môi trường địa lý nơi họ sống”. Kiên quyết chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong học thuật, đó là giá trị đầu tiên cần được nói tới trong học thuyết của Jared Diamond.
Trong sách, tác giả Jared Diamond nói rằng: “Có những mẫu hình lớn trong lịch sử, và cuộc truy tìm nhằm lý giải các mẫu hình đó vừa hữu ích lại vừa hấp dẫn”. Với thời gian xuất hiện khá lâu như vậy, liệu Súng, vi trùng và thép còn mang tính thời sự nữa không?
Theo tôi hiểu, để có thể nắm vững những “mẫu hình” mà Jared Diamond nói tới, chúng ta cần đọc không chỉ Súng, vi trùng và thép mà cả hai cuốn khác trong “bộ ba” nổi tiếng của ông, là Loài tinh tinh thứ ba và Sụp đổ. Những mẫu hình đó cụ thể như thế nào và tại sao chúng hữu ích, tôi e rằng khuôn khổ bài phỏng vấn này không cho phép chúng ta đào sâu.
Anh khởi đầu công việc dịch thuật bằng một tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới. Khi dịch Súng, vi trùng và thép, đâu là thách thức với anh?
Dịch một cuốn sách khoa học như Súng, vi trùng và thép khác xa so với dịch một tác phẩm văn chương, như 2666 chẳng hạn. Thách thức lớn khi dịch Súng, vi trùng và thép là lượng kiến thức đồ sộ, đa ngành của tác giả, buộc người dịch phải tra cứu, tìm hiểu rất nhiều để có thể bảo đảm chuyển ngữ một cách ít sai sót nhất có thể.
Ngoài dịch thuật, anh còn được biết đến là tác giả của các đầu sách như tập truyện ngắn Baroque và ẩn hoa và Những gặp gỡ không thể có, tiểu thuyết Life Navigator 25: người tình của cả thế gian. Giữa sáng tác và dịch thuật, công việc nào mới thực sự mang lại niềm vui, ý nghĩa với anh?
Cả hai đều là những việc mà tôi làm được tốt nhất so với các việc khác. Cả hai đều mang lại niềm vui và ý nghĩa cho tôi. Tuy nhiên, nếu chỉ được chọn một, tôi chọn văn chương. Như người ta nói, tôi luôn luôn cảm thấy mình “sinh ra để làm nhà văn”.
Anh đang có kế hoạch tự dịch các tác phẩm của mình sang tiếng Anh. Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này?
Tôi đang dịch một số chương tiêu biểu nhất trong cuốn tiểu thuyết Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian của tôi (xuất bản năm 2016). Dịch trọn vẹn e là tôi không đủ thời gian. Một số chương tiêu biểu được dịch ra tiếng Anh hẳn là đủ để có thể “chào hàng” một số đơn vị xuất bản nước ngoài khi có cơ hội. Nếu cuốn sách được một nhà xuất bản nước ngoài chấp nhận in, thì nó hẳn phải được dịch, hoặc ít nhất phải được hiệu đính bởi một người bản ngữ có chuyên môn.
Trong một chương trình giao lưu trước đây, anh có nói rằng, Việt Nam có nhiều tác giả xứng đáng được nước ngoài biết tới, ít nhất là hay hơn rất nhiều một số nhà văn nước ngoài đang được dịch ở Việt Nam…
Là một biên tập viên chuyên nghiệp, tôi có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm của khá nhiều người viết trẻ tuổi. Dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi có thể nhận định về một số trong các bạn trẻ này có khả năng trở thành những tác giả “chủ lực” của văn đàn Việt Nam trong tương lai không xa. Những tác giả mà xét từ góc độ nào đó đáng đọc hơn so với khá nhiều nhà văn “bestseller” nước ngoài đang được dịch và ấn hành đều đặn trên thị trường.
Vấn đề là, bản thân thị trường sách Việt cần phải phát triển lên một cấp độ cao hơn, đặc biệt là từ phía giới phê bình, thì mới có thể đánh giá đúng được những tác giả này. Tạm thời tôi không muốn nêu rõ tên một số người trong số họ – tôi muốn họ cứ hãy cố hết sức mình. Nếu được vậy, nhất định một ngày nào đó thế giới sẽ biết đến họ.
Không nhiều nhà văn trong nước có lợi thế về ngoại ngữ, nên con đường đưa văn chương đến bạn đọc thế giới khá hạn hẹp. Theo anh, chúng ta phải làm gì?
Không có cách nào hơn là nỗ lực cá nhân. Mỗi nhà văn Việt Nam, bên cạnh việc nỗ lực viết những cuốn sách hay nhất trong khả năng mình, cần tự trau dồi khả năng ngoại ngữ để trước hết có thể tự tiếp cận nguồn tác phẩm và tư liệu văn học nước ngoài mà không phải đợi người khác dịch ra tiếng Việt, và rồi, nếu có thể, tự mình dịch tác phẩm của mình, tự giới thiệu nó ra nước ngoài, chứ không đợi ai khác làm việc đó.
HỒ SƠN thực hiện
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dich-gia-tran-tien-cao-dang-luon-cam-thay-minh-sinh-ra-de-lam-nha-van-778192.html
Bài này được xem 822 lần