Ngày 1/11/2022 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg  về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Trong phần mở đầu, Chỉ thị đã đánh giá: Những năm qua, hệ thống thư viện phục vụ thiếu nhi mà nòng cốt là thư viện công cộng và thư viện trường học đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, Pháp luật về thư viện tiếp tục xác định vai trò, nhiệm vụ quan trọng của thư viện trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc nói chung, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi nói riêng. Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai thực hiện và kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu: Môi trường đọc cho thiếu nhi ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa thực sự phù hợp và thuận lợi trong tiếp cận thông tin; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao và bền vững, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào; chưa thực sự chú trọng việc hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; có sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin và các tiện ích, dịch vụ, sản phẩm thông tin thư viện giữa thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Chỉ thị chỉ ra: nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa quan tâm, đầu tư đúng mức; sự đổi mới hoạt động của thư viện chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn; sự phối hợp giữa thư viện trường học với các loại thư viện khác chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên. Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng chính phủ đã ban hành  Chỉ thị số 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Nội dung Chỉ thị đã nêu ra những vấn đề cần thực hiện đối với Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với thiếu nhi, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn; chủ trì hoặc phối hợp triển khai các văn bản liên quan đến phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi; Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.

Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương”.

Tôn vinh những tấm gương ham đọc, ham học; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, các sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính nghiên cứu việc đề xuất chính sách khuyến khích, thu hút phù hợp cho người làm công tác thư viện phục vụ thiếu nhi, nhất là tại miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện, hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn về thư viện trong các cơ sở giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ: tiếp tục chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục khác, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng là đối tượng thiếu nhi; bố trí đủ người làm công tác thư viện đạt chuẩn theo quy định;

Hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn về thư viện trong các cơ sở giáo dục và khung chương trình giáo dục bao gồm các giờ học ngoại khóa tại thư viện công cộng; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, phát triển văn hóa đọc trong học đường, gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó tập trung nâng cao tinh thần tự đọc, tự học, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận, tra cứu và xử lý thông tin cho thiếu nhi, đồng thời đưa hoạt động này thành nội dung của tiết học chính khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học.

Tăng cường các xuất bản phẩm có chất lượng phục vụ thiếu nhi

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan xuất bản, phát hành sách tăng cường các xuất bản phẩm có chất lượng phục vụ thiếu nhi; phối hợp với thư viện trong thực hiện lưu chiểu và trao đổi xuất bản phẩm điện tử, ấn phẩm phục vụ thiếu nhi; chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh truyền thông về văn hóa đọc, tăng cường ứng dụng và triển khai nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số trong thư viện; Đề xuất và chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, sàng lọc thông tin, sản phẩm văn hóa độc hại trên không gian mạng có ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em.

Bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được xác định rõ trong việc thực hiện chỉ thị này gổm: bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn; tăng đầu tư, hỗ trợ cho các thư viện công lập có vai trò quan trọng để tập trung phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; đẩy mạnh xã hội hóa, đồng thời khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân tham gia phục vụ thiếu nhi; Tăng cường tổ chức kết nối giữa các thư viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình vào việc hình thành và duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; phát triển mô hình, liên kết các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở trên địa bàn phù hợp với đối tượng thiếu nhi; Thúc đẩy hợp tác quốc tế …vv

Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, đầu tư phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, trách nhiệm các nội dung tại mục 6 của Chỉ thị này; trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện thuộc phạm vi quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp, liên kết, hợp tác để hình thành thư viện thiếu nhi hoặc bộ phận của thư viện phục vụ thiếu nhi.

Các cơ quan truyền thông cũng được giao các nhiệm vụ vụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông ở trung ương và địa phương, các nhà xuất bản tiếp tục triển khai xây dựng, đổi mới và phổ biến các chương trình, sản phẩm truyền thông về phát triển văn hóa đọc, chuyên mục về sách, trang bị kiến thức, kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin cho thiếu nhi.

Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được đề nghị hỗ trợ để thực hiện chỉ thị; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia đầu tư phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi.

Chỉ thị số 20/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đã giúp cho các thư viện và toàn xã hội có được những định hướng cụ thể trong hình thành, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Hy vọng rằng Chỉ thị sẽ được triển khai sâu rộng ở Việt Nam góp phần xây dựng thế hệ đọc tương lai và thúc đẩy sự hình thành thế hệ trẻ phát triển toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ.

Thúy Ngà

Bài này được xem 419 lần