Với kinh nghiệm hai năm đối mặt dịch bệnh, người làm sách đang nỗ lực tìm ra hướng đi mới cho toàn ngành.
Trải qua năm thứ hai phải hứng chịu những tác động của đại dịch Covid-19, ngành xuất bản, in và phát hành gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Số lượng xuất bản phẩm phát hành và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Các đợt giãn cách khiến một số nhà sách phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Hiện tượng in và phát hành sách lậu chưa được khắc phục kịp thời.
Trước những tồn đọng trên, bước sang thềm năm mới 2022, người làm sách đề xuất một số biện pháp và dự báo tình hình xuất bản trong thời gian tới, một mặt nhằm khắc phục tồn đọng, mặt khác tạo ra điểm sáng cho toàn ngành.
Nhìn lại hoạt động xuất bản năm 2021
Ông Trần Chí Đạt – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông – nhìn nhận năm qua, hoạt động phát hành xuất bản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Cụ thể, nhiều cơ sở phát hành bị gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài, khả năng phục hồi thấp.
Đặc biệt, một trong những tồn đọng dễ nhận thấy là chưa có nhiều đơn vị tham gia thực hiện xuất bản phẩm điện tử.
“Có thể thấy xuất bản điện tử phát triển còn chậm do khả năng ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hoạt động xuất bản, in và phát hành chưa có bước phát triển mang tính đột phá. Chất lượng một số mảng sách chưa cao”, ông Đạt nhận định.
Bên cạnh những mặt hạn chế, giới làm sách nỗ lực hoàn thành nhiều kế hoạch đề ra dù trong điều kiện dịch bệnh. Một số điểm sáng có thể kể đến như: Tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc, Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ tám, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến…
Trong đó, lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư đã thực sự gây được tiếng vang trong dư luận. 24 công trình có giá trị đã được vinh danh, gồm nhiều thể loại, chủ đề khác nhau.
Năm 2021, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị, tọa đàm kết hợp thực địa và trực tuyến như: Hội nghị triển khai công tác xuất bản, phát hành tại TP.HCM, hội nghị triển khai công tác xuất nhập khẩu xuất bản phẩm năm 2021 tại Hà Nội, hội thảo về ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản, hội thảo chuyển đổi số trong xuất bản…
Hướng đi cho toàn ngành năm 2022
Trước những tồn đọng của năm 2021, ông Trần Chí Đạt đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, chuyển đổi phương thức xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử theo hướng hiện đại, phù hợp xu thế hội nhập.
Thứ hai, nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng hệ thống dữ liệu quản lý của lĩnh vực xuất bản, in và phát hành để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, nâng cao hiệu quả xuất bản và chất lượng nguồn nhân lực ngành.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại. “Cần mở rộng hợp tác quốc tế với các nước thông qua việc tham gia Hội chợ sách quốc tế Seoul, Tokyo, Bắc Kinh, New York, Frankfurt; tổ chức hội chợ bản quyền với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á tại Việt Nam.
Thứ năm, tăng số lượng các nhà xuất bản và đơn vị phát hành tham gia thực hiện xuất bản phẩm điện tử; đầu tư chủ lực cho những xuất bản phẩm có giá trị cao, quan trọng phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với các đơn vị phát hành mạnh, từ đó hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng – cho rằng 2022 có thể vẫn là năm mà ngành xuất bản chịu nhiều ảnh hưởng do Covid-19. Tuy nhiên, trải qua hai năm dịch bệnh, đơn vị của bà đã rút ra một số bài học và hướng đi cụ thể.
Theo đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng, điểm quan trọng và ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn và động viên tinh thần cho cán bộ, công nhân viên chức trong đơn vị.
“Dịch bệnh kéo dài nên chúng tôi luôn trang bị nguồn lực dự phòng, đảm bảo sự linh hoạt, hiệu quả trong quá trình triển khai kế hoạch. Năm 2022, các đơn vị xuất bản cần nắm bắt thời cơ để bứt phá trong phát hành và kinh doanh, đồng thời lựa chọn và xây dựng các đề tài phù hợp từng thời điểm”, bà Quỳnh Liên nói.
Một trong những xu hướng nổi bật trong năm 2022 được đại diện Phương Nam Books dự đoán là sự phát triển và đón nhận mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử.
Bà Trần Nhật Hoàng Phương – Giám đốc Marketing Phương Nam Books – cho rằng ebook đã có mặt ở Việt Nam từ lâu. Audio book cũng tạo được chỗ đứng nhất định và sẽ ngày càng được đón nhận.
“Trước những xu hướng của thị trường và nhu cầu đa dạng của độc giả, chắc chắn xuất bản phẩm điện tử, đặc biệt là audio book sẽ phát triển lớn mạnh hơn trong năm 2022”, bà Hoàng Phương nêu quan điểm.
Để đón đầu xu hướng này, đại diện Phương Nam Books tiết lộ sắp tới, đơn vị này tham gia vào mảng audio book với ứng dụng “KOMO audio”, dự kiến ra mắt vào quý đầu tiên của năm 2022.
Bà Hoàng Phương cũng dự đoán chủ đề sách trong năm 2022 ngày càng đa dạng. “Trong hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, độc giả đã quan tâm hơn tới những dòng sách kỹ năng hướng tới thế giới nội tâm. Bên cạnh đó, các thể loại sách về lối sống xanh cũng được đón đọc”, bà Phương chia sẻ.
Dòng sách trong năm 2022 cũng được nhận định là sẽ có chiều sâu hơn. “Một số cuốn sách mới phát hành như Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Tâm tư của bạch tuộc, Đế chế hải ly của chúng tôi tưởng chỉ đem đến kiến thức khoa học thường thức cho thiếu nhi về động vật, nhưng vẫn tạo được sự phiêu lưu, hồi hộp như khi đọc tiểu thuyết. Tôi tin nhiều tựa sách chuyên biệt, phục vụ nhu cầu tìm hiểu sâu sẽ sớm ra mắt bạn đọc”, bà Hoàng Phương nói thêm.
Thu Huệ.
Nguồn: https://zingnews.vn/du-doan-buc-tranh-xuat-ban-nam-2022-post1287099.html