Bài viết của Bùi Thanh Tuyền – Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh – Diễn đàn Học sinh, sinh viên Việt Nam & Khát vọng tuổi trẻ.

Trong bức thư gửi học sinh cả nước trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu.” Dẫu nay Bác đã đi xa nhưng lời dạy của Người vẫn luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ tương lai, là lời khẳng định về tầm quan trọng của việc học. Học tập suốt đời đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ giúp mỗi chúng ta trang bị thêm kiến thức, kỹ năng mà nó còn thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với tương lai của đất nước.

Mỗi học sinh, sinh viên là một mầm xanh của đất nước, là thế hệ kế thừa và phát huy những tri thức tốt đẹp. Họ còn là một lực lượng to lớn, giữ tầm quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đưa đất nước rạng danh với bạn bè quốc tế. Để hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm ấy, để xứng đáng trở thành một người chủ tương lai của đất nước thì mỗi cá nhân cần phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng cho chính mình.

Kiến thức là vô vàn, vô tận. Những gì chúng ta biết được họa chăng cũng chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông. Tạo hóa ban cho con người bộ óc, cho cơ hội được khám phá thế giới, được mở rộng hiểu biết, nâng tầm tư duy. Đó có lẽ là điều may mắn nhất mà mỗi chúng ta có được. Đọc và học tập suốt đời là cách nhanh nhất để mỗi chúng ta không bị bỏ lại phía sau. Với mỗi học sinh, sinh viên, văn hóa đọc và học tập suốt đời càng quan trọng hơn cả. Đó là phương tiện tốt nhất cho mỗi người trẻ phát huy năng lực của mình, góp phần đem đến những giá trị hữu ích cho cộng đồng, xã hội và đất nước.

Ngày nay, trong sự chuyển đổi không ngừng của thời đại công nghệ 4.0, con người dễ dàng tiếp cận với những nguồn tri thức mới. Chỉ vài thao tác tìm kiếm trên google chúng ta có thể nhận về hàng loạt kết quả, thông tin có giá trị. Chuyển đối số đã rút ngắn khoảng cách với những tri thức mới. Nhiều lớp học online được tổ chức, nhiều chương trình giáo dục được lên sóng, nhiều tủ sách điện tử được ra mắt đã giúp con đường khám phá thế giới, mở mang trí tuệ ngày càng hanh thông. Rõ ràng hơn cả là vào thời điểm dịch bệnh Covid đang hoành hành như hiện nay, mọi hoạt động đều chuyển dần sang trực tuyến. Sự khó khăn giữa đại dịch chưa bao giờ cản bước con người tìm đến tri thức. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nên cho học sinh nghỉ học một năm, đã có rất nhiều lời than thở về những bất tiện trong lớp học trực tuyến nhưng rồi mọi chuyện đều ổn thỏa, tinh thần học tập vẫn cháy sáng trong đôi mắt của mỗi học sinh, sinh viên. Nếu ngày xưa giữa thời loạn lạc ông bà ta vẫn miệt mài đi tìm con chữ thì ngày nay giữa những khó khăn của dịch bệnh chúng ta vẫn không ngừng phát huy tinh thần học tập đó. Văn hóa đọc và học tập suốt đời là cơ sở nền tảng cho chúng ta động lực cố gắng, thích nghi tìm kiếm tri thức trong mọi hoàn cảnh.

Để phát huy văn hóa đọc và học tập suốt đời, mỗi học sinh, sinh viên cần chủ động trong việc tìm kiếm tri thức, rèn luyện kỹ năng. Bằng tất cả sức trẻ, nhiệt huyết và khát vọng của mình, mỗi cá nhân cần phải tự đọc, tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Học tập là một chặng đường dài, cần nhiều kiên trì và nỗ lực. Kiến thức cần phải được tiếp cận ở nhiều khía cạnh, góc nhìn sâu sắc, không phải là thứ hời hợt nhất thời. Học tập không chỉ dừng lại trong sách vở, giáo trình mà đó còn là những bài học cuộc sống, những kinh nghiệm, đút kết từ thế hệ đi trước. Tri thức có ở quanh ta, việc tìm kiếm tri thức không còn quá khó khăn nhưng nó cần một sự kiên trì, đều đặn và khả năng quan sát. Không phải cứ đến trường mới gọi là học, không phải cứ cầm trên tay cuốn sách mới gọi là đọc mà cần phải học và đọc ở mọi lúc, mọi nơi, không ngần ngại tiếp nhận mọi tri thức mới trong cuộc sống hằng ngày.

“Học, học nữa, học mãi.” Có lẽ câu nói này của V.I. Lê-nin không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta. Việc học chưa bao giờ có giới hạn. Là một học sinh, sinh viên, mang trên mình tương lai của đất nước, chúng ta càng phải không ngừng học tập. Việc học chỉ dừng lại khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, rời khỏi thế giới này mà thôi. Tự đặt giới hạn cho việc học thì chẳng khác nào chúng tay tự chặt đi cánh tay chạm đến thế giới của chính mình. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ và chỉ có việc tự đọc, tự học suốt đời mới giúp chúng ta khám phá thế giới nhiệm màu này.

Bài này được xem 229 lần