Yongey Mingyur Rinpoche, sinh năm 1975 tại Nubri, Nepal, là con trai út của bậc thầy, thiền giả danh tiếng Tulku Urgyen Rinpoche. Ngài bắt đầu tu học chính thức ở tuổi mười một và hai năm sau bắt đầu khóa nhập thất ba năm đầu tiên của mình. Ngày nay, giáo lý của ngài tích hợp tính thực tiễn và quy luật triết học của các chương trình đào tạo Tây Tạng với các định hướng khoa học và tâm lý học của phương Tây. Ngoài vai trò là trụ trì của ba tu viện, ngài cũng lãnh đạo Tergar, một cộng đồng thiền quốc tế với một trăm trung tâm trên khắp thế giới. Ngài được biết rộng rãi đến nhờ cách trình bày thực hành thiền định rất rõ ràng và dễ tiếp cận. Ở tuổi ba mươi sáu, ngài bí mật rời tu viện của mình ở Ấn Độ để tham gia vào một cuộc nhập thất lang thang kéo dài bốn năm rưỡi, sống ở hang núi và đường phố, làng mạc. Ngài là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times “Sống một đời vui”, cũng như “Trí tuệ hoan hỷ” và Turning Confusion into Clarity: A Guide to the Foundation Practices of Tibetan Buddhism (tạm dịch: Chuyển hóa mê mờ thành sáng tỏ). Ngài thường cư ngụ chính tại thành phố Kathmandu, Nepal. Khi trở lại vào mùa thu năm 2015, ngài đã bày tỏ mong muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình về sự thay đổi và vô thường, về những cách chúng có thể giúp những người bình thường đối mặt với nỗi sợ hãi và với cái chết của bản thân. Ngài đề nghị Helen Tworkov hỗ trợ và cuốn sách này được ra đời dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau mà Helen Tworkov đã thực hiện với ngài từ năm 2016 đến năm 2018.

Cuốn sách “Sống chết mỗi ngày: Hành trình đi xuyên qua các tiến trình Sinh Tử của một nhà sư Phật giáo” đã được Pema Chodron – tác giả của cuốn “Khi mọi thứ sụp đổ” đã có lời khen tặng dành cho cuốn sách: “Thông qua cuốn sách này, chúng ta được bước vào thế giới nội tâm của một nhà sư Phật giáo trẻ tuổi và kiệt xuất. Ngài đã phải đối mặt với sợ hãi, tức giận, bệnh tật và cả cái chết ngay sau khi bắt đầu hành trình nhập thất lang bạt của mình. Những khó khăn về cả thể chất lẫn tinh thần như vậy có thể làm đảo lộn đời sống của một con người bình thường, nhưng đối với Mingyur Rinpoche, ngài đã biến nó thành cơ hội để đào luyện tâm và làm sâu sắc hơn cam kết chuyển hóa mọi nghịch cảnh vào đường tu giác ngộ. Nhờ sự sẵn lòng chia sẻ rất tỉ mỉ về tiến trình tâm trong suốt hành trình của ngài mà tôi đã học được rất nhiều để áp dụng cho con đường tu học của chính mình. Đây thực sự là một trong những cuốn sách truyền cảm hứng nhất mà tôi đã từng đọc.”
Thái Hà Books xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc bản sách này!

MỤC LỤC:
Những lời khen tặng dành cho Sống chết mỗi ngày
Mở đầu
PHẦN I: THÊM CỦI VÀO LỬA
Chương 1: Bạn là ai?
Chương 2: Nhận biết con sóng nhưng trụ lại nơi đại dương
Chương 3: Sinh ra ngậm thìa bạc
Chương 4: Vô thường và cái chết
Chương 5: Hãy để trí tuệ khởi sinh
Chương 6: Bạn sẽ làm gì trong Bardo?
Chương 7: Những bài học từ Milarepa
Chương 8: Nhà ga xe lửa Varanasi
Chương 9: Tính không, không phải là không có gì
Chương 10: Nếu bạn thấy điều gì, hãy nói ra điều đó
Chương 11: Nỗi hoảng sợ – người bạn cũ ghé thăm
Chương 12: Một ngày ở ghat
Chương 13: Giấc ngủ và giấc mơ
Chương 14: Học bơi
Chương 15: Memento Mori
PHẦN 2: TRỞ VỀ NHÀ
Chương 16: Nơi Đức Phật nhập diệt
Chương 17: Giấc mơ hạnh phúc của bạn là gì?
Chương 18: Đi xuyên qua bóng tối
Chương 19: Một cuộc gặp gỡ
Chương 20: Khỏa thân và mặc quần áo
Chương 21: Không kén cá chọn canh
Chương 22: Làm việc với nỗi đau
Chương 23: Bốn dòng sông đau khổ tự nhiên
Chương 24: Nhớ lại Bardo
Chương 25: Cho đi mọi thứ
Chương 26: Khi cái chết là tin tốt lành
Chương 27: Tính biết không bao giờ chết
Chương 28: Khi chiếc cốc vỡ tan
Chương 29: Trong Bardo trở thành
Phần kết 365 Lời cảm ơn
Về các tác giả

TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Cho đi mọi thứ

Nhiều người có nỗi sợ hãi quá lớn về cái chết, tới mức họ luôn phủ nhận việc cái chết sẽ xảy ra, thậm chí họ không thể trải nghiệm một sinh hoạt bình thường như giấc ngủ giống như một phiên bản nhỏ của cái chết. Tôi đã không được nuôi dạy theo cách đó. Suốt thời thơ ấu của tôi, cái chết là đề tài được thảo luận thường xuyên và cởi mở. Nghĩ về cái chết là một phần trong các bài thực hành. “Cái chết và vô thường, cái chết và vô thường” là thần chú trong thực hành của tôi. Vậy mà trong suốt thời gian tính toán và chuẩn bị cho cuộc nhập thất lang bạt này, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình có thể bị ốm, hoặc chết. Chỉ với trận ốm này, tôi mới có thể nhìn lại và thừa nhận những hạn chế trong hiểu biết của mình. Chỉ khi đó tôi mới nghĩ: Đây là lý do tại sao các bậc thầy phải lắc đầu kinh ngạc khi biết rằng tất cả mọi người, dù già hay trẻ, đều bị bất ngờ bởi cái chết, trong khi sự thật đó luôn tồn tại xung quanh chúng ta.
Giữa những cơn đau quặn thắt bụng, muỗi đốt, nôn ói, tiêu chảy và lịm đi do bị mất nước nặng, tôi đã không thể trải nghiệm cảm giác hồi sinh tươi mới thường đến cùng ánh bình minh mỗi ngày. Tôi cũng đã bắt đầu sốt và có thể cảm thấy hơi nóng tỏa trên trán. Bây giờ đã ở ngày thứ tư của trận ốm và tôi quyết định nên bắt đầu xem lại các hướng dẫn cho cái chết.
Nếu tôi chết, thì cũng như bao người khác, tôi sẽ chết với sự đau đớn của thể xác. Tôi không thể thay đổi sự đau khổ tự nhiên của bệnh tật. Chính vì vậy loại đau khổ này không phải là chủ đề chính trong giáo lý của Đức Phật, cũng không phải của các bản văn về bardo. Trong bardo này, đau đớn đề cập nhiều hơn đến những tổn thương của việc không muốn rời bỏ những gì chúng ta quen thuộc, và trải nghiệm đau khổ khi phải rời xa những bám chấp sâu sắc nhất. Chúng ta khát khao mong muốn được ở lại trong thân xác đã cưu mang và phụng sự mình bấy lâu, được ở lại với những người đã yêu thương chúng ta và những người chúng ta hằng thương mến, được ở lại trong ngôi nhà đã từng là nơi ta nương náu. Một con người, một tình huống có thể khiến trái tim ta thắt lại, và thật đau đớn khi mất đi kết nối này. Vào những giây phút cuối cùng, chúng ta có thể sẽ không giảm bớt được nỗi đau trong thân xác, nhưng hoàn toàn có thể chuyển hóa nỗi khổ có khả năng bủa vây tâm ta vào thời điểm đó.
Trong giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng, nếu chúng ta không muốn chết đi trong gánh nặng bởi những thứ đang ràng buộc mình thì chẳng còn lúc nào tốt hơn để buông bỏ. Thay vì tranh đấu với quy luật tự nhiên, chúng ta có thể thư giãn và buông bỏ. Buông xuống mọi bám chấp là điều cần thực hiện. Có một thực hành dành riêng cho việc buông bỏ này được gọi là thực hành mạn-đà-la, và không nhất thiết phải học thêm về văn hóa hoặc nghi lễ Tây Tạng để thực hành này có hiệu quả. Điều quan trọng là xác định những bám chấp là gì và giải phóng chúng ta khỏi những ràng buộc quá khứ để sống trong khoảnh khắc hiện tại trọn vẹn nhất có thể, và tiếp tục cuộc hành trình với ít hành lý hơn.

Buông bỏ không có nghĩa là vứt bỏ những thứ mà chúng ta không còn trân trọng, như một chiếc áo khoác cũ hoặc một chiếc iPhone hỏng. Về mặt lô-gíc, chúng ta hiểu giá trị của sự buông bỏ, nhưng không dễ gì để thực hiện được. Buông bỏ những gì có ý nghĩa thường đi kèm với một chút đau đớn. Chúng ta cho đi cái gì đó, nhưng có thể với một chút tiếc nuối. Điều quan trọng là phải nhận biết những cảm xúc này, không cố xua đuổi nỗi buồn, cảm giác hối hận hay tiếc nuối. Đồng thời nhận ra những cảm xúc đó mà không bị cuốn vào những câu chuyện hay những vở bi kịch phát đi phát lại xung quanh nó, giống như cách mà ta thực hành để làm quen với tâm mình trong bardo của đời này. Bất cứ điều gì chúng ta gắn với tôi hoặc tuyên bố là của tôi sẽ là những thứ ràng buộc bản thân nhiều nhất.
Trong bardo của cái chết, để giải phóng bản thân khỏi những bám chấp, chúng ta kết hợp các pháp tu buông bỏ, để mọi sự theo cách tự nhiên, cho đi và cúng dường. Những pháp tu đó dựa trên các hoạt động quen thuộc trong cuộc sống bình thường, không mang nặng tính vật chất, chẳng hạn như cho đi. Trong cúng dường, chúng ta dùng hình ảnh con người, đồ vật và thậm chí các hiện tượng của vũ trụ chẳng hạn như núi non hoặc sông suối, những thứ ý nghĩa riêng với bản thân; sau đó cúng dường những điều này lên các bậc đại diện tôn giáo của mình, hoặc dâng lên vũ trụ hay các vì sao. Chúng ta bắt đầu với hình ảnh của một thực tại tự quán tưởng mà nó lớn hơn bất kỳ kiểu hình mẫu thông lệ nào, cho cả vật phẩm để cúng dường và cả những người mà ta muốn hướng tới. Hình tướng của cả vật phẩm cúng dường và người nhận cúng dường đều không quan trọng. Khía cạnh duy nhất thực sự quan trọng là mức độ chân thành của người cúng dường và mức độ liên hệ cá nhân trong hành động cúng dường này.

Thông thường việc cho đi một thứ gì đó luôn có sự đan xen giữa sự hào phóng thành thật và cái tôi to lớn. Cả hai đều có mặt. Chúng ta có thể bố thí cho một người vô gia cư để cảm thấy tốt hơn về bản thân, hoặc tài trợ cho một bệnh viện hay một trường đại học để có một tòa nhà mang tên mình. Chúng ta cho đi để nhận lại, như thế vẫn tốt hơn là không cho đi chút nào. Nhưng khi niềm tự hào được gia cố, nó đi ngược lại những gì chúng ta đang thực sự cố gắng thực hành. Khi chúng ta cúng dường các vị thần hoặc vũ trụ, điều gây bối rối là hiệu quả cúng dường đó không thể tính toán được.  Vì lý do đó, việc cúng dường này sẽ tự khắc trở thành một cách cho đi trong sáng, cho đi mà không cần bất cứ sự hồi đáp có tính toán nào. Hạnh bố thí này phát sinh từ sự tôn trọng, lòng biết ơn và sùng mộ, không chút dính mắc tới lợi ích bản thân. Cúng dường luôn bao gồm sự cho đi chân thành. Nhưng cho đi không phải lúc nào cũng bao gồm tâm thái cúng dường.

Bài này được xem 439 lần