VHO- “Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, chúng ta không thể chỉ mãi trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Trên cơ sở các nhà văn hóa, trung tâm học tập có sẵn, các địa phương có thể vận động cá nhân, tổ chức, những người con thành đạt của quê hương hỗ trợ sách, báo, phương tiện máy tính để hình thành không gian đọc cộng đồng; mời cộng tác viên tham gia quản trị thư viện…”.
TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) nêu giải pháp, đồng thời thông tin, mô hình này đã triển khai từ năm 2016 tại xã Vàng San (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) và đạt được thành công nhất định.
Chủ trương, chính sách có…
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chọn ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ngày 4.11.2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục ký quyết định về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây… Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc lan tỏa và đẩy mạnh phong trào đọc sách; góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam. Cũng nhờ sự vào cuộc quyết liệt, công tác phát triển văn hóa đọc cho người dân ở những vùng còn gặp khó khăn đã thu được những kết quả tích cực.
Tại Lào Cai, chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2021, tỉnh đã nhận được sự giúp sức của hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân với gần 70.000 đầu sách, giá trị hơn 1,3 tỉ đồng. Sang đến Yên Bái, đại diện Thư viện tỉnh cho biết luôn xác định sự kiện Ngày sách và Văn hóa đọc hằng năm là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Mỗi năm, tỉnh sẽ dựa trên tình hình thực tế để thiết kế hình thức và quy mô sự kiện. Hiện tại, một số nơi trong tỉnh gặp khó khăn trong tiếp cận sách, Thư viện tỉnh đang tính phương án luân chuyển sách đến đây; liên kết hoạt động đọc của từng thôn bản, điểm trường, tổ dân phố với cấp huyện, xã… Để giúp bà con vơi đi nỗi “khát sách”, số lượng sách, báo, tạp chí cũng liên tục được bổ sung ở các lĩnh vực văn hóa, pháp luật, nông nghiệp…
Còn ở Tuyên Quang, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Phạm Thị Kim Thoa cho hay: “Từ năm 2019, chúng tôi được tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện Ánh sáng tri thức do Bộ VHTTDL phối hợp với Quỹ Thiện Tâm trao tặng. Xe trang bị hơn 5.000 bản sách, 6 máy tính, 1 ti vi, 1 tăng âm, 100 ghế nhựa, 1 ô cỡ lớn, tổ chức nhằm đưa sách, báo và internet đã được trang bị theo xe về phục vụ trực tiếp người dân, nhất là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn. Hiệu quả đến tức thì khi ai nấy đều bày tỏ nguyện vọng mong muốn những chuyến xe sẽ được tăng cường nhiều hơn nữa để được tiếp cận với sách, báo, nâng cao hiểu biết”.
… nhưng cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc cho đồng bào vùng khó khăn, trước hết, chúng ta cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gắn với học tập suốt đời. Thêm vào đó, phải đẩy mạnh xã hội hóa với sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tình nguyện viên và cộng đồng. Hiện tại, cả nước có hàng trăm đơn vị đăng ký kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm, hàng chục nghìn nhà sách, đơn vị bán lẻ trên toàn quốc. Tuy nhiên, những đơn vị này chủ yếu hướng đến phục vụ thị trường tại những thành phố trung tâm, nơi có mức thu nhập cao và việc vận chuyển sách dễ dàng hơn. Do đó, TS Vũ Dương Thuý Ngà cho rằng, các NXB, nhà sách, đơn vị phát hành nên có chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào DTTS, miền núi để bà con dễ tiếp cận với sách hơn, qua đó thúc đẩy thị trường sách mở rộng và phát triển.
Có được thư viện cộng đồng, công tác tuyên truyền, vận động để bà con tham gia cần được đặc biệt chú trọng. Nỗ lực lập thư viện, đưa hoạt động đọc đến những vùng sâu, vùng xa không phải để cho có hình thức, đã làm thì phải thực chất, hấp dẫn được người dân. Kể từ khi Đề án “Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác truyền thông, vận động đồng vào DTTS, vùng núi đọc sách đã được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức như truyền thanh, truyền hình, các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề… “Thực tế, trước đây từng xuất hiện thực trạng: Thư viện, không gian đọc được mở ra nhưng vì người dân mải mê với gánh nặng mưu sinh; công tác tuyên truyền chưa được chú trọng nên chẳng ai quan tâm hoặc họ rất ngại đọc. Nếu tuyên truyền tốt, thấy thú vị, bà con người này truyền tai người kia thì mô hình sẽ được nhân rộng, đạt hiệu quả rất cao”, TS Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định.
Về nguồn lực xã hội hóa, anh Nhữ Ngọc Thịnh, điều phối viên Tổ chức Giáo dục cộng đồng V.E.O cho hay, qua những năm tổ chức hoạt động vì cộng đồng, anh nhận thấy việc phát triển văn hoá đọc cho người dân những vùng khó khăn đã và đang thu được nhiều tín hiệu tích cực. “Chúng ta có sự khuyến khích từ chính sách của Đảng, Nhà nước. Người dân cũng ý thức được việc phải chung tay phát triển văn hoá đọc cho những vùng đặc biệt, không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, mỗi đợt làm thiện nguyện, chúng tôi đều nhận được rất nhiều sách ủng hộ. Đối tượng ủng hộ cũng trải dài ở nhiều độ tuổi, từ những bác cao tuổi cho đến những em nhỏ được bố mẹ đưa đi quyên góp sách. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, tôi mong thời gian tới, sự vào cuộc ấy sẽ mạnh mẽ hơn nữa. Bà con nhiều nơi vẫn đang mong sách từng ngày. Mỗi lần nhận quyên góp, số lượng sách không phải ít nhưng vẫn chưa thể giúp hết được tất cả bà con”, anh Nhữ Ngọc Thịnh chia sẻ.
Nguồn: http://baovanhoa.vn