Đối với mỗi người, quê hương và kỷ niệm ấu thơ luôn là những điều thiêng liêng nhất. Hình bóng quê hương được cất giữ trong tâm khảm ở miền ký ức thân thương, không thể mờ phai. Với Cao Văn Hà cũng vậy. Quê hương ông – Làng Đông Thái bên sông Cầu đã trở thành người mẹ thứ hai nuôi ông lớn khôn, khiến ông cả đời ngưỡng vọng. Dù không học văn chương nhưng những nỗi nhớ, niềm thương đã thôi thúc ông cầm bút và viết “Chuyện làng tôi” khiến bao trái tim thổn thức, đồng cảm và trân trọng.

Tôi đã được Cao Văn Hà tặng “Chuyện làng tôi”.  Nhìn trang bìa thật giản dị, nhưng khi giở sách ra đọc, tôi đã thật sự bị cuốn hút. Từng trang, từng trang, 26 câu chuyện gắn với những dòng hồi ức, những kỷ niệm thân thương về làng Đông Thái quê hương của tác giả đã mở ra biết bao điều phải suy ngẫm.  Là ngôi làng ở đồng bằng Bắc bộ với lịch sử hơn 200 năm. Người làng Đông Thái vốn từ làng Nội Rối, xã Bảo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam lên lập nghiệp. Họ xuôi sông Cầu về định cư ở xóm chợ Bến, làng Đông Xuyên (xã Đông Tiến huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) để dễ bề buôn bán và làm ăn sinh sống. Từ một làng ngụ cư khởi đầu từ con số không, với khát vọng và sự nỗ lực vươn lên , mềm mỏng, khéo léo trong cư xử người dân nơi đây đã từng bước làm cho làng khá giả, thịnh vượng dần lên. Nhiều người trong làng thành đạt và có những đóng góp đáng kể cho quê hương, đất nước. Trong dòng tâm tưởng của tác giả:  “Làng tôi là một ngôi làng ven sông Cầu, nơi có bến phà Đông Xuyên. Nhìn từ trên cao, sông Cầu ôm trọn làng tôi vào lòng, tạo thành một dải xanh mềm mại. Người ta bảo, làng ở vào khúc lõm dòng sông là thế “tụ thủy”. Chả thế mà, trải bao thăng trầm, dâu bể, làng tôi cứ đông đúc lên, từ khi chỉ có mươi nhà trở thành một làng nghề sầm uất”. Tên làng đã thể hiện một khát vọng thành hiện thực: Đông Thái – tức dân cư đông đúc và thái bình.

Không chỉ ắp đầy những kỷ niệm của tác giả, “Chuyện làng tôi” còn phản ánh lịch sử, lệ làng đến lối làm, lối ăn, sinh hoạt văn hóa của làng. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu đầy trách nhiệm của tác giả về quê hương khiến người đọc có cảm giác Cao Văn Hà đã viết sử làng bằng văn, và có thể đón nhận cuốn sách như một tư liệu về làng, lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau.

Đọc “Chuyện làng tôi”, nhiều người trong chúng ta sẽ như gặp lại tuổi thơ mình ở đó với bao kỉ niệm buồn vui cùng những sinh hoạt rất đỗi quen thuộc của nông thôn miền Bắc: bắt cua, bắt cá, đánh lờ, đẩy bè tre, đi chợ quê, uống nước mưa, đốt lửa, đan tre làm nong nia, rổ rá … Những “hương vị” quen thuộc của làng quê xưa, đó là mùi tre, mùi trầu, mùi sách… rồi cả những thao thiết về dòng sông quê hương – nơi lưu dấu bao kỷ niệm: “Sông với làng tôi như cặp đôi chẳng thể tách rời. Sông là lý do để Tổ làng dựng nghiệp, lập làng ở đó…. Sông luôn là tiếng gọi thiết tha để ai ai đi xa cũng mong mỏi tìm về” đã hiện lên trong các trang sách đằm thắm, thân thương đến nao lòng.

Cảm động nhất là khi đọc những đoạn tác giả viết về bà nội, về mẹ về cuộc sống nghèo khó ở làng quê xưa. Ở đó, ta bắt gặp thân phận của bao lớp người nhà quê lam lũ, hay lam hay làm. Dù ở hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ trong tâm hồn mình sự thanh sạch, thơm thảo và tình yêu quê hương, đất nước hồn hậu, trong sáng.

Người con của dòng họ Cao thôn Đông Thái luôn đau đáu, nặng tình với quê hương, với dòng sông Cầu huyền thoại, dòng sông đã ôm ấp, chở che bao phận người Nội Rối. Tác giả tự hào về quê hương với “những nét văn hóa của một làng nghề thủ công đan lát truyền thống gắn liền với giao thương và làm nông nghiệp, nổi lên tính cách can đảm, quảng giao, sành ăn, sành chơi của người đàn ông; sự chăm chỉ, đằm thắm, giỏi tề gia nội trợ của người phụ nữ. Và trên hết, đó là sự khéo ăn, khéo ở, năng động, tìm tòi và ý chí can trường của bao thế hệ người làng vươn lên với những ước mơ và khát vọng không ngừng nghỉ”.

Và cũng từ ước mơ tiếp tục phát triển quê hương mạnh giàu, văn minh, hạnh phúc sau khi nghỉ hưu ông Cao Văn Hà đã sáng lập “Mô hình khuyến học mới” và là Chủ tịch danh dự Quỹ “Ước mơ lớn” xã Đông Tiến, huyện Yên Phong để tiếp tục biến những ước mơ và khát vọng thành hiện thực trong tương lai.

Chỉ với gần 300 trang, với cách viết mộc mạc, giản dị, trong sáng cuốn sách “Chuyện làng tôi đã khiến cho bao người cảm động. Cô giáo Cao Hường – Trường Tiểu học Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh sau khi đọc tập sách này đã xúc động chia sẻ:  “Chuyện làng tôi” – cuốn sách có lẽ sẽ khiến nhiều bạn đọc trưởng thành phải thảng lặng với miền kí ức xa xôi, để rồi thương nhớ những kỉ niệm thủa thiếu thời … Và nó khiến những đứa con xa xứ bỗng nghẹn lòng nhớ nhung da diết ngôi làng thân thương thủa nào”.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo bạn đọc, Chương trình Cùng bạn đọc sách sẽ phối hợp cùng tác giả tạo phiên bản sách nói để gửi tới quý vị và các bạn trong tương lai.

Tuệ Lâm

Bài này được xem 295 lần