Theo TS. Vũ Dương Thúy Ngà – Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, để tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng trong cuốn sách thì phải bắt đầu từ niềm vui và trách nhiệm của bản thân.
Hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam” (21/4) và “Ngày sách Thế giới” (24/4), ngày 20/4 Thư viện Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội đã phối hợp với CLB Read – Nâng cao Văn hóa Đọc và Phát triển cá nhân tổ chức buổi tọa đàm “Văn hóa Tự học, Tự đọc trong sinh viên Y”.
Phát biểu tại chương trình, anh Trần Hoàng Mai – Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Y Hà Nội cho biết, tọa đàm là nơi chia sẻ lợi ích, giá trị của việc đọc sách đến sinh viên Y. Anh bày tỏ mong muốn các em sinh viên trường Y sẽ dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, thông qua đó không ngừng mở rộng sự hiểu biết, nâng cao kỹ năng sống và chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức và nâng cao khả năng tư duy. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay thì mọi người trong xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng đang ngày càng có xu hướng thờ ơ với việc đọc sách.
Do vậy, trong buổi tọa đàm với sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐH Y Hà Nội, TS. Vũ Dương Thúy Ngà – Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có những phân tích sâu sắc về mục đích, vai trò của việc đọc sách cũng như bàn về thực trạng Văn hóa Đọc hiện nay ở Việt Nam.
Qua đó, Tiến sĩ Thúy Ngà đã chỉ ra những kinh nghiệm bổ ích trong việc lựa chọn các cuốn sách chất lượng, các phương pháp đọc sách khoa học và cách thức vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được từ việc đọc sách vào đời sống một cách hiệu quả nhất,…
“Để tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng trong sách một cách thực sự thì phải bắt đầu từ niềm vui. Bên cạnh đó là trách nhiệm trong đọc sách, bởi lẽ đọc không chỉ giải trí mà còn thực hiện các nhiệm vụ như học tập, nghiên cứu, thêm vào đó là sự say mê”, TS Thúy Ngà chia sẻ.
Các diễn giả tham dự trong buổi Tọa đàm
Cũng trong buổi tọa đàm, thầy Mai Thành Công – Giảng viên bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, hiện nay việc tự học và tự đọc của sinh viên cả nước nói chung và sinh viên ngành Y nói riêng cần phải được coi trọng và hình thành thói quen đọc sách. Đặc biệt, sau khi ra trường khả năng tự học và tự đọc không những cần duy trì mà phải trau dồi và nâng cao.
“Với sinh viên ngành Y, chương trình học trên trường lớp chỉ đủ để học những kiến thức cơ bản nhưng khi ra trường chúng ta sẽ gặp các mặt bệnh, những vấn đề chưa từng được học, được nghe. Do đó chúng ta phải tự học, tự đọc để nâng cao kiến thức, năng lực của bản thân”, Thầy Thành Công nói.
Buổi tọa đàm còn diễn ra hoạt động trao đổi và tặng sách cho các bạn sinh viên
Để ghi nhớ và chọn lọc kiến thức, thông tin khi đọc sách, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện chia sẻ, ngày nay với sự phát triển của công nghệ hiện đại, chúng ta có thể ghi chú trong điện thoại và máy tính.
“Một trong những nguyên tắc để có thể ghi nhớ và sử dụng những điều mà chúng ta đã đọc đó là ghi chép và luôn luôn nghe theo “nguồn”, nghĩa là phải nhớ đọc sách đó của ai, tên sách là gì, trang số bao nhiêu,.. Nếu chỉ ghi chép điều tâm đắc trong cuốn sách thì về sau chúng ta sẽ mất công kiểm tra lại nguồn đó chính xác từ trang nào,…Vì vậy, biết cách ghi ghép vô cùng quan trọng trong quá trình chắt lọc thông tin”, TS Thúy Ngà nhấn mạnh.
Tham dự và theo dõi buổi tọa đàm, em Nguyễn Thế Mạnh (sinh viên năm 4, Đại học Y Hà Nội) bày tỏ, tọa đàm đã đem lại những trải nghiệm thú vị, những chia sẻ đắt giá cùng nguồn cảm hứng học tập, phát triển bản thân cho các bạn trẻ, đặt biệt là sinh viên Y.
“Với ngành Y không chỉ là kiến thức chuyên môn mà chúng em còn giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và kết hợp rất nhiều lĩnh vực khác. Do đó, qua buổi tọa đàm ngày hôm nay em nghĩ trước khi làm bác sĩ em cần làm một người tốt, cần nhiều kiến thức và kỹ năng thông qua việc đọc sách để có thể thực hiện được những việc tốt đó”.
Có thể nói, buổi tọa đàm “Văn hóa Tự học, Tự đọc trong sinh viên Y”, cũng như những chia sẻ của các diễn giả đã khơi gợi tinh thần yêu sách, đọc sách của sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên ngành Y nói riêng, đồng thời thêm một lần nữa khẳng định: Sách là kho tàng tri thức là tài sản vô giá của nhân loại.
Thúy Ngà
(Nguồn: Tạp chí điện tử Gia đình việt Nam)
Bài này được xem 380 lần