Sáng 26/8, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức diễn đàn “Trẻ em khiếm thị Việt Nam” lần thứ nhất.

Đại diện các bộ, ban ngành nhận bản kiến nghị của trẻ em khiếm thị tại Diễn đàn.
Đại diện các bộ, ban ngành nhận bản kiến nghị của trẻ em khiếm thị tại Diễn đàn.

Diễn đàn trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 24-26/8 năm 2022 tại Hà Nội nhằm mục tiêu xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền, thúc đẩy sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị và trẻ em khuyết tật nói chung. Tham dự diễn đàn sáng 26/8 có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng quốc hội, các bộ ngành, Trung ương Đoàn, Lãnh đạo Hội Người mù Việt Nam cùng nhiều đại biểu cho các cơ quan tổ chức và 60 em học sinh khiếm thị tiêu biểu đến từ 34 tỉnh, thành phố trong cả nước

Diễn đàn cũng tập trung vào những chủ đề lớn mà trẻ em khiếm thị đặc biệt quan tâm. Đó là: Can thiệp sớm, phục hồi chức năng và giáo dục; Văn hóa, vui chơi giải trí, tiếp cận thông tin; Tiếp cận giao thông, công trình công cộng, sự tham gia của trẻ em khiếm thị; Trẻ em khiếm thị và sự tham gia bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình…

Phát biểu tại sự kiện, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam bày tỏ mong muốn tiếng nói, nguyện vọng của các cháu tham dự diễn đàn sẽ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và các tổ chức, đoàn thể xem xét, đề ra giải pháp phù hợp bằng tất cả sự yêu thương và trách nhiệm để trẻ khiếm thị nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung ngày càng được bảo đảm các quyền của mình, giúp các em từng bước khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu

Tại diễn đàn, thay mặt cho trẻ em khiếm thị cả nước, em Tô Thị Hà (Hội Người mù Hà Nội) đã phát biểu: “Chúng cháu mong muốn những thông điệp, kiến nghị này được các cơ quan, tổ chức thường xuyên xem xét và có những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để chúng cháu khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng”.

Học sinh khiếm thị phát biểu tại diễn đàn
Học sinh khiếm thị phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhấn mạnh: Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, từng gia đình và toàn xã hội, trong đó, trẻ khuyết tật là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt. Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm trợ giúp trẻ khiếm thị vươn lên, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Nhờ đó, nhiều trẻ khiếm thị trở thành những học sinh khá, giỏi, đạt giải cao trong các cuộc thi ở trong và ngoài nước.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu

Đồng thời, ông Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự lắng nghe, chia sẻ và phản hồi thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm yêu thương của đại diện các ban, bộ, ngành, tổ chức đã dành cho các cháu. Ông mong muốn sau diễn đàn này, các ban, bộ, ngành, các tổ chức căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình sẽ rà soát hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là khâu tổ chức thực hiện cùng những nội dung khác liên quan các vấn đề mà các cháu kiến nghị, đề xuất để trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung ngày càng được bảo đảm thực hiện quyền lợi, có cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường bình đẳng, thân thiện, hòa nhập, xây đắp tương lai hạnh phúc.

Nhân dịp này, Hội Người Mù Việt Nam đã tổng kết và trao giải cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn” dành cho trẻ em khiếm thị. Đại diện Ban Giám khảo cuộc thi, TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện đã chúc mừng Hội Người Mù Việt Nam đã tổ chức cuộc thi thành công trên nhiều phương diện, tạo ra một sân chơi, một môi trường để trẻ em khiếm thị có cơ hội điều kiện giao lưu, chia sẻ thể hiện năng khiếu âm nhạc, thuyết trình, kể chuyện bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ước mơ của bản thân, lan tỏa các giá trị sống tốt đẹp.  Cuộc thi thu hút được khá đông học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố tham gia, với các thể loại mà Ban Tổ chức đặt ra. Em bé nhất 7 tuổi, lớn tuổi nhất: 18 tuổi. Nhiều câu chuyện về Bác Hồ: “Tinh thần tự học của Bác Hồ”, Bác Hồ luyện tập thể dục, Ai ngoan sẽ được thưởng, Bát chè chia đôi… đã được kể thể hiện tình yêu và sự cảm phục của các em học sinh khiếm thị đối với Bác Hồ.

TS Vũ Dương Thúy Ngà, đại diện Ban Giám khảo phát biểu nhận xét đánh giá về cuộc thi“Ươm hạt giống tâm hồn”

Nhiều tấm gương giàu ý chí, vượt qua nghịch cảnh, vươn lên thành công nhờ nỗ lực học tập, nhiều kỉ niệm sâu sắc về Hội, người thân, thầy cô, bạn bè… đã làm thay đổi cuộc sống hoặc thay đổi nhận thức, tình cảm, thói quen của các em đã được chia sẻ. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, học tập của trẻ em khiếm thị và nguyện vọng, mong muốn của em đã được giãi bày. Nhiều em đã chia sẻ các ước mơ muốn trở thành giáo viên, bác sĩ, ca sĩ, người truyền cảm hứng… cùng những kế hoạch cụ thể và ý chí quyết tâm. Cuộc thi đã thành công thể hiện sự nỗ lực, nhiệt huyết của các em và sự quan tâm của các bậc phụ huynh, các chi hội người mù ở các địa phương. 36 giải thưởng đã được trao cho các em học sinh khiếm thị xuất sắc nhất.

Tại diễn đàn, trẻ em khiếm thị đã gửi tới các cơ quan chức năng và cộng đồng những thông điệp ý nghĩa như:
1. Mất đi ánh nhìn không có nghĩa là mất đi tầm nhìn.

2. Can thiệp sớm là cơ hội vàng trong phục hồi chức năng cho trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.

3. Hãy tạo cơ hội để trẻ khuyết tật tham gia tối đa vào các hoạt động phù hợp, yêu thương không đồng nghĩa với sự bảo bọc và làm thay mọi việc.

4. Môi trường bình đẳng, thân thiện, tiếp cận và hòa nhập là ước mơ của trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.

5. Cơ hội giáo dục, hướng nghiệp và tiếp cận thông tin là những nền tảng cơ bản để trẻ em khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

6. Trẻ em khiếm thị cần được vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần như bao trẻ em khác.

7. Trẻ em khuyết tật có khả năng biến những điều không thể thành có thể nếu được gia đình, nhà trường, xã hội tạo những điều kiện đầy đủ và đúng nghĩa.

8. Mọi vấn đề liên quan trẻ em khuyết tật cần có sự tham gia của trẻ em khuyết tật.

9. Lắng nghe trẻ em khuyết tật để hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em khuyết tật, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

10. Hãy cùng yêu thương, tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật.

1. Mất đi ánh nhìn không có nghĩa là mất đi tầm nhìn.

2. Can thiệp sớm là cơ hội vàng trong phục hồi chức năng cho trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.

3. Hãy tạo cơ hội để trẻ khuyết tật tham gia tối đa vào các hoạt động phù hợp, yêu thương không đồng nghĩa với sự bảo bọc và làm thay mọi việc.

4. Môi trường bình đẳng, thân thiện, tiếp cận và hòa nhập là ước mơ của trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.

5. Cơ hội giáo dục, hướng nghiệp và tiếp cận thông tin là những nền tảng cơ bản để trẻ em khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

6. Trẻ em khiếm thị cần được vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần như bao trẻ em khác.

7. Trẻ em khuyết tật có khả năng biến những điều không thể thành có thể nếu được gia đình, nhà trường, xã hội tạo những điều kiện đầy đủ và đúng nghĩa.

8. Mọi vấn đề liên quan trẻ em khuyết tật cần có sự tham gia của trẻ em khuyết tật.

9. Lắng nghe trẻ em khuyết tật để hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em khuyết tật, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

10. Hãy cùng yêu thương, tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật.

Hà Phương tổng hợp

Bài này được xem 224 lần