TS. Vũ Dương Thúy Ngà – nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có 40 năm gắn bó với sách. Cũng bởi thế, bà nguyện sẽ dành trọn đời cho sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tuổi thơ gắn liền với sách

Trong cộng đồng người yêu sách, ai cũng biết tới TS. Vũ Dương Thúy Ngà, bởi bà không chỉ say mê sách, mà còn là người khởi xướng rất nhiều phong trào đọc sách, tặng sách, xây dựng thư viện cộng đồng. Trong một không gian đậm chất Thu của Hà Nội, giọng người phụ nữ Hà thành nhỏ nhẹ, dịu dàng kể về năm tháng tuổi thơ làm bạn cùng sách, khiến người nghe dễ dàng bị cuốn hút.

Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, thuở nhỏ, bà Ngà được truyền tình yêu sách từ ông bà, bố mẹ qua những câu chuyện cổ tích. “Dù lúc đó, tôi chưa biết chữ, nhưng bố mẹ rất ngạc nhiên vì tôi có thể kể lại câu chuyện làu làu, không sai một chữ so với trong sách” – bà Ngà nhớ lại. Khi đang học lớp 1, gia đình đi sơ tán nên không được học tiếp tục, bà Ngà phải tự mượn sách các bạn để tự học. Nhờ sách, cô bé Ngà lúc đó đã theo kịp bạn bè ở các cấp học tiếp theo. “Người bạn, người thầy của tôi thời thơ ấu chính là sách. Vui với sách, khóc với sách vì bố mẹ đi công tác, đi sơ tán, chẳng có ai vỗ về khi buồn. Niềm vui ngoài trông em, đi chợ, nấu cơm… chính là đọc sách” – TS Vũ Dương Thúy Ngà xúc động kể.

Mãi sau này, trở thành một nữ sinh, bà Ngà thường xuyên được tới Thư viện Hà Nội. Nơi đây đã mở ra cả một thế giới, một chân trời mới với bà vì một kho tàng sách phong phú. Cũng từ đây, bà Ngà ấp ủ giấc mơ sẽ gắn bó với thư viện, gắn với sứ mệnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

TS Vũ Dương Thúy Ngà tặng sách cho Thư viện Bình Vọng (Thường Tín – Hà Nội)

Phát triển thư viện cộng đồng

Đến nay, TS Vũ Dương Thúy Ngà đã có 40 năm gắn bó với công tác thư viện và sách. Khi còn ở cương vụ Vụ trưởng Vụ Thư viện, bà Ngà đã tham mưu hoàn thiện thể chế, góp phần xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thông qua, ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý và động lực cho văn hóa đọc phát triển. Trong đó, có thể kể đến: Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Luật Thư viện, Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ và các thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sách trở thành người bạn đối với các em nhỏ

Ngoài ra, bà Ngà đã vận động xã hội hóa để xây dựng hàng trăm thư viện cộng đồng. Từ 2015-2020, bà cùng những người bạn tâm huyết, vận động các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và một số nhà xuất bản…, hỗ trợ xây dựng các thư viện cộng đồng ở các xã, khu dân cư, chú trọng đối tượng bạn đọc là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phạm nhân, người dân ở vùng sâu vùng xa. Hàng trăm ngàn cuốn sách cùng các máy đọc sách nói, máy tính… đã được bà Ngà và cộng sự gửi đến các thư viện cộng đồng.

“Rất may mắn, tôi được gia đình, bạn bè ủng hộ, các nhà xuất bản, tình nguyện viên tham gia. Họ tặng sách, ủng hộ kinh phí và hỗ trợ hướng dẫn các thủ thư, người quản lý thư viện… Niềm vui đổi lại là, các thư viện thôn xóm mọc lên, các em nhỏ, bạn trẻ, người già biết đến những cuốn sách hay, từ đó, lan tỏa tinh thần tự học từ sách trong cộng đồng” – TS Vũ Dương Thúy Ngà cho biết.

TS Vũ Dương Thúy Ngà hướng dẫn quản lý sách tại thư viện cộng đồng làng Cự Đà (Thanh Oai – Hà Nội)

Ứng dụng chuyển đổi số trong đọc sách

Một trong những thành tựu đáng chú trong phong trào phát triển văn hóa đọc của TS Vũ Dương Thúy Ngà, đó là chương trình thiện nguyện Cùng bạn đọc sách – Nâng tầm trí tuệ Việt” do bà khởi xướng năm 2019. Trong 3 năm qua, Chương trình đã không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm góp phần thực hiện Đề án “Phát triển Văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TS Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, thực hiện phương châm “Không để ai ở lại phía sau”, chương trình đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những người khuyết tật, người khiếm thị và những đối tượng thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Tháng 4/ 2020, Chương trình thiết lập Kênh Cùng bạn đọc sách trên Youtube trong bối cảnh cả nước thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để góp phần giúp mọi người sử dụng thời gian ở nhà một cách hữu ích.

Với hơn 2.240 video clip, kênh đọc sách này đã trở thành địa chỉ tin cậy giúp cho mọi người có thể vừa giải trí vừa có thể học tập ở mọi nơi mọi lúc. Nhiều bài viết và clip đã được xây dựng góp phần khích lệ động viên, phổ biến kiến thức giúp mọi người vững vàng hơn trong đại dịch. Tại kênh này, nhiều tấm gương ham đọc sách và kinh nghiệm học tập suốt đời đã được chia sẻ; nhiều ý tưởng phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời đã được đề xuất. Chương trình còn phối hợp với Vụ Thư viện, Hội Người mù Việt Nam, Dự án Sách và Hành động, Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Học tập suốt đời tổ chức các cuộc thi “Gia đình đọc sách, kết nối yêu thương”, “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chia sẻ sách hay, chung tay chống dịch”, “Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách”, “Diễn đàn Học sinh, sinh viên với khát vọng tuổi trẻ”…

Là người thường xuyên theo dõi kênh Cùng bạn đọc sách, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng nhận xét: “Tôi rất khâm phục những người xây dựng chương trình này, để đem lại một nét văn hóa, đó là văn hóa đọc, văn hóa đọc phải trở thành một nét văn hóa của cả nước, mọi người đều phải thấy rằng đọc là nghĩa vụ, là quyền lợi và cũng là hạnh phúc. Tôi mong là chương trình ngày càng phát triển và được nhiều người ủng hộ và đem lại lợi ích lớn lao cho xã hội”.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, TS Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, đứng trước xu thế chuyển đổi số, bà cùng cộng sự hiện vẫn đang tích cực tìm hướng sản xuất các video clip sao cho hấp dẫn, phù hợp từng lứa tuổi, để lan tỏa tinh thần đọc sách, yêu sách trong cộng đồng.

“Bác Hồ luôn nhấn mạnh tinh thần tự học. Nếu các bạn trẻ được nuôi dưỡng tinh thần tự học ấy thông qua các cuốn sách, coi sách như thầy, như bạn thì sẽ tránh xa được những tệ nạn xã hội khác như nghiện game, ma túy, mạng xã hội… Ở xã hội hiện đại, văn hóa đọc càng cần phải được hình thành, nuôi dưỡng từ các gia đình, trường học, thôn xóm, từ đó, góp phần phát triển một thế hệ bạn trẻ có tri thức, yêu bản sắc dân tộc mình” -TS Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.

Bảo Phương

nguồn: https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/nguoi-phu-nu-nguyen-danh-tron-doi-cho-su-phat-trien-van-hoa-doc-72129.html?fbclid=IwAR1k8hTaEGRpUVc59GeUofRMUD6J7TXTXyaHWhaocXEyjZ06O9iDKY6uWNE

Bài này được xem 242 lần