Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và liệt cả hai tay. Không đầu hàng số phận, ông đã rèn luyện đôi chân thay cho bàn tay và không ngừng nỗ lực học tập, làm việc và cống hiến.

Nguyễn Ngọc Ký - Người Thầy giáo dùng chân để viết đã đi xa - Ảnh 1.

Nhờ sự cố gắng của bản thân, Nguyễn Ngọc Ký đã được đi học và ông học rất giỏi. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý về tấm gương vượt khó. Năm 1963, ông được đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi lần thứ 2.

Năm 1966-1970, ông học Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cũng trong năm này, ông cho ra đời tập truyện kí viết bằng chân đầu tiên với nhan đề Những năm tháng không quên (sau đổi là Tôi đi học). Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần.

Tốt nghiệp đại học, ông trở về Nam Định làm giáo viên tại trường cấp hai Năng khiếu huyện Hải Hậu. Người thầy khuyết tật nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh. Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Nam Định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”.

Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông đã vào những trang sách giáo khoa và gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ học sinh trên cả nước. Ông là tấm gương cho sự kiên trì, quyết tâm, lòng ham học cho nhiều thế hệ. Tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được đưa thành bài học trong sách giáo khoa một số lớp như: Em Ký đi học (sách tập đọc lớp 3 từ 1964-1983), Anh Ký đi học (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000), Bàn chân kỳ diệu (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay).

Niềm đam mê nghề giáo đã mang đến cho ông nhiều thành công. Năm 1983, ông đạt Giải nhất Hội giảng giáo viên giỏi toàn tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1992, ông được nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Sau đó hơn một năm, thầy Ký chuyển công tác từ Nam Định vào làm việc tại Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp TP.HCM để vừa công tác vừa chữa bệnh. Tâm sự về nghề nghiệp, thầy Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ: “Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội!”

Năm 2005, Nguyễn Ngọc Ký nghỉ hưu nhưng ông vẫn vừa sáng tác văn học cho thiếu nhi, vừa làm tư vấn Tâm lý giáo dục qua tổng đài 1088 của TP.HCM. Cũng vào năm này, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Ông được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho thế hệ trẻ. Ông đã thực hiện 1500 buổi nói chuyện tại các trường trong cả nước.

Trong Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc 2014 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã có buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách Biết học hết mình với đông đảo bạn đọc yêu sách.

Những năm cuối đời ông phải chạy thận nhân tạo ở bệnh viện thường xuyên. Dù phải nằm một chỗ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn dành thời gian viết sách và truyện cổ tích cho thiếu nhi. Ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông là tác giả hơn 30 tác phẩm văn học gồm: Thơ, văn, truyện ký, sách hướng dẫn phương pháp học tập và kỹ năng sống. Trong đó nhiều cuốn nổi tiếng được nhiều người yêu thích như: Tôi đi học, Tôi học đại học, Những tâm hồn dấu yêu, Biết học hết mình, Tôi dạy học, Lời vàng trao con…

Sau hơn 29 năm chiến đấu với bệnh suy thận, vào 2h sáng ngày 28/9, Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh. Dù đã đi xa nhưng ông mãi là một tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận được nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ và cảm phục. Cuộc đời và những cống hiến của Thầy Nguyễn Ngọc Ký sẽ mãi còn in sâu đậm trong tâm trí người thân, đồng nghiệp, các thế hệ học trò và người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn

Bài này được xem 287 lần