Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa CAND thời kỳ chuyển đổi số”, thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu, nhà khoa học ở trong và ngoài lực lượng CAND.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị khẳng định: Trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy và lãnh đạo Công an các cấp đã luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc.
Năm 2018, Bộ Công an ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “Xây dựng và phát triển thói quen, hình thành nhu cầu, kỹ năng và văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CAND, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và đời sống văn hóa tinh thần, hướng tới đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời của CBCS”.
Hội thảo khoa học “Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa CAND thời kỳ chuyển đổi số ” là diễn đàn quan trọng để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những quan điểm phát triển, thuận lợi và thách thức, mục tiêu định hướng phát triển văn hóa đọc đến năm 2030 trong thời kỳ chuyển đổi số. Hội thảo đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam; xây dựng văn hóa CAND, người Công an “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Văn hóa đọc là nền tảng của xã hội học tập, học tập suốt đời. Trong xã hội học tập ấy, lực lượng CAND có vai trò vô cùng quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam trong bối cảnh Internet phát triển hiện nay. Muốn thực hiện nhiệm vụ cao cả đó, mỗi CBCS cần ham mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc và ứng dụng những điều đã đọc được vào công việc của mình.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc nói chung, văn hóa đọc trong CAND nói riêng trong thời kỳ số. Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND; Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong phát triển văn hóa đọc góp phần nâng cao hiệu quả công tác, giáo dục, đào tạo tại đơn vị.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật đề xuất nhiều giải phát để nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển văn hóa đọc trong CAND: Tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số; tăng cường quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa đọc trong CAND; thường xuyên đổi mới, quảng bá về văn hóa đọc, phong trào học suốt đời, huy động sự tham gia có hiệu quả của các đơn vị có liên quan với nhiều hình thức thực hiện đa dạng, phù hợp; đẩy mạnh đầu tư, phát triển, ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin; tập trung rà soát và có kế hoạch đầu tư hợp lý theo lộ trình của việc xây dựng hệ thống thư viện truyền thống, thư viện điện tử, phòng đọc sách với nhiều đầu sách có giá trị thiết thực.
TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng cho rằng, trong thời gian tới, lực lượng CAND cần tiếp tục phát huy các thế mạnh đã đạt được, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và thư viện để đáp ứng yêu cầu công tác, hoạt động giáo dục và đào tạo trong các học viện nhà trường, nhu cầu học tập nghiên cứu và giải trí của CBCS trong toàn lực lượng CAND.
Được sự ủy quyền của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: Hội thảo khoa học là hoạt động nghiên cứu, quán triệt đưa chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về phát triển văn hóa đọc vào xây dựng lực lượng CAND “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu là Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các nhà xuất bản và đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương thuộc lực lượng CAND.
Dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau các bài tham luận đã luận giải, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn, thể hiện tầm nhìn rộng và chiều sâu tư duy, đồng thời, đã đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục hoàn thiện về lý luận, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm về phát văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung và trong xây dựng lực lượng CAND nói riêng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, lực lượng CAND sẽ tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa đọc trong CAND và trong cộng đồng xã hội.
Ngay sau hội thảo, các đại biểu đã tham quan triển lãm sách và các tác phẩm dự thi Đại sứ văn hóa đọc trong CAND. Đây là triển lãm do Bộ Công an tổ chức. Triển lãm trưng bày hàng trăm đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau và các tác phẩm được đánh giá cao của các thí sinh tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trong CAND.
Bài này được xem 368 lần