Thiên Mệnh

Lịch sử phong kiến Việt Nam, từ Hai Bà Trưng xưng vương (40-43) đến vua Bảo Đại thoái vị (1945), kéo dài 1905 năm. Trừ ngàn năm dưới ách thống trị của ngoại bang, có 75 đời vua của 15 triều đại do người An Nam trị vì. Song lịch sử dường như chỉ nhắc tới: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Vậy mà 15 năm cuối thế kỷ XVIII (1774-1789) trong cái chớp mắt ấy của lịch sử, sừng sững những cột mốc hiện lên: Chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn kéo dài 174 năm. Xóa bỏ vai trò chúa Trịnh tồn tại 241 năm. Chấm dứt triều đại nhà Hậu Lê trị vì gần 400 năm. Tiêu diệt sáu vạn liên quân Xiêm La – Chân Lạp – Nguyễn tại Rạch Gầm – Soài Mút. Chiến công thần tốc đánh tan ba mươi vạn quân Mãn Thanh, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Tác giả: Nguyễn Trọng Tân
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành: Tri Thức Trẻ

Tây Sơn Thái tổ Quang Trung – Nguyễn Huệ, tác giả của hầu hết các võ công trên xuất hiện sáng chói rồi tắt lịm như khối sao băng xé tan đêm đen phong kiến. Cái chết đột ngột của ông là đốt gãy lịch sử, để lại nỗi bất hạnh lớn lao cho dân tộc này.

Cuối triều Hậu Lê bộc lộ đầy đủ sự hủ lậu, hèn đớn, bế tắc giai đoạn suy tàn. Những cuộc tranh đoạt ngai vàng, quyền bính diễn ra không khác gì vở bi – hài kịch đầy máu và nước mắt. Ở giới tầng cao nhất, nhân vật chính của vở bi – hài kịch trên là những cái tên: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Phúc Ánh, Lê Chiêu Thống, Trịnh Sâm, Trịnh Tông. Hạng văn thần, võ tướng hàng đầu: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Thiếp… mờ tỏ trên bầu trời chính trị u ám.

Nguyễn Nhạc, một nông dân đắc chí. Con mắt không vượt qua bờ ruộng nhà mình. Lê Chiêu Thống, Trịnh Sâm, Trịnh Tông đớn hèn, ngu dốt, vô trách nhiệm. Họ chỉ là vũng xoáy nhỏ trong dòng chảy lịch sử, luẩn quẩn cuốn theo rều rác, bèo bọt của cái thể chế yếu hèn, rã nát.

Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh xuất thân khác nhau một trời một vực song khá giống nhau ở sứ mệnh quyết định mang tính lịch sử. Trái nhau như sáng và tối. Như thiện và ác… Cả hai đều trở thành động lực lôi kéo cái cộng đồng dân tộc đầy hận thù, chia rẽ theo mình. Dù phía trước hai kỳ phùng địch thủ ấy là sự tươi sáng hơn hay bất hạnh, tăm tối hơn cho dân tộc họ. Mấy trăm năm sau người ta vẫn chưa định lượng cân đong đầy đủ về tầm vóc, ảnh hưởng của hai nhân vật này.

Sử liệu chính thống về triều đại Tây Sơn và Quang Trung – Nguyễn Huệ bị nhà Nguyễn hủy hoại hầu như không còn gì. Với mong muốn góp phần “giải mã” giai đoạn đặc biệt này, tác giả dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Có những câu trích dẫn nguyên văn từ nguồn, với ý thức không làm sai lạc lịch sử hoặc méo mó nhân vật của thời đại đó.

Số phận, võ công và thiên tài Quang Trung – Nguyễn Huệ như ánh xạ bi hùng vang vọng trong tâm khảm bao thế hệ, vọng vào tác phẩm của tôi. Nhưng “Thiên Mệnh” không mang trong nó sứ mệnh của một thông điệp lịch sử.

Bài này được xem 312 lần