Chiều 20/12, tại hội trường Hội Người mù Việt Nam đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách” với hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tới dự lễ tổng kết và trao giải có TS. Tạ Ngọc Trí – Phó vụ Trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Tiến sĩ Vũ Dương Thuý Ngà, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam – đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; bà Đinh Việt Anh, ông Đinh Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng – Trưởng ban Giáo khảo cuộc thi cùng các thí sinh, đại biểu, nhà báo, phóng viên tham dự trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu.
Vào tháng 10 vừa qua, hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời 2021, Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và học tập suốt đời phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức cuộc thi “cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách” với hình thức gửi bài dự thi trực tuyến với 3 dạng: bài viết, clip và audio. Mục đích của cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của học tập suốt đời đối với phát triển cá nhân và xã hội; truyền cảm hứng, chia sẻ các ý tưởng để thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời trong cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.
Sau hơn 1 tháng phát động, cuộc thi đã được đông đảo các thí sinh trong cả nước tham gia. Đối tượng tham gia dự thi hết sức đa dạng, từ những bạn nhỏ học sinh đến các cán bộ hưu trí, bao gồm cả người khuyết tật. Thí sinh nhỏ nhất là 7 tuổi và thí sinh nhiều tuổi nhất là 79 tuổi. Nhiều tấm gương và kinh nghiệm học tập suốt đời đã được chia sẻ; nhiều ý tưởng thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời đã được đề xuất.
Một số tác phẩm với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, kịch nói, ca khúc truyền cảm hứng, thúc đẩy khuyến học và học tập suốt đời đã được sáng tác và gửi tham dự cuộc thi. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, minh họa đẹp mắt, clip sinh động hấp dẫn thể hiện ý thức và tâm huyết của các thí sinh.
Để hỗ trợ người khuyết tật có thêm phương tiện truy cập thông tin và tri thức, Quỹ Thiện tâm tập đoàn Vingroup đã trao tặng 22 điện thoại thông minh cho các thí sinh theo đề nghị của Ban Tổ chức.
Phát biểu khai mạc, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người Mù Việt Nam đã nhấn mạnh về ý nghĩa của cuộc thi: “Thông qua cuộc thi, người khuyết tật có thêm cơ hội để bày tỏ suy nghĩ và nguyện vọng được hỗ trợ để học tập suốt đời, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Cuộc thi đã thực sự mang đến cho những thí sinh, đặc biệt là người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục vượt qua thử thách, vươn lên trong cuộc sống”.
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá: “Với tôi, đây là một cuộc thi tuyệt vời, được tổ chức vào thời điểm hết sức có ý nghĩa hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, khi mà đại dịch Covid – 19 đang hoành hành dữ dội với những diễn biến phức tạp, khó lường khiến cho cuộc sống của mọi người dân bị xáo trộn, phải ngưng trệ công việc hàng ngày, học sinh, sinh viên không được đến trường. Chính vì vậy mà cuộc thi đã có tác động lớn đến nhiểu tầng lớp nhân dân. Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Tôi rất ấn tượng và cảm động khi đọc và xem những bài viết, video Clip, audio của các thí sinh. Nhiều bài viết thì trình bày rất đẹp, công phu; một số video, audio được dàn dựng hấp dẫn. Đặc biệt, qua cuộc thi này cũng khẳng định ý nghĩa của kênh youtube “Cùng bạn đọc sách” trong hỗ trợ mọi người thực hiện mục tiêu học tập suốt đời. Với sáng kiến và sự tận tâm của TS Vũ Dương Thúy Ngà và các cộng sự, Kênh đã tích cực lan tỏa thông tin và tri thức, giới thiệu được những cuốn sách có giá trị khoa học, nghệ thuật, nhân văn, tốt đẹp đến với cộng đồng”.
Phát biểu tổng kết cuộc thi, Tiến sĩ Vũ Dương Thuý Ngà – Trưởng ban Tổ chức cuộc thi xúc động cho biết, sau cuộc thi này, ý thức tự học và tinh thần học tập suốt đời của các cá nhân ở các tầng lớp khác nhau, đặc biệt là những người khuyết tật sẽ được nâng cao. Ban Tổ chức cuộc thi sẽ tập hợp những bài viết xuất sắc để hình thành cuốn sách, tiếp tục lan tỏa những ý tưởng, kinh nghiệm, tấm gương không ngừng học thành công, góp phần thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Trưởng Ban tổ chức cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý, các thành viên Ban giám khảo, thí sinh, cơ quan thông tấn, đài báo cùng toàn thể đại biểu đã tham dự lễ tổng kết và trao giải tại hội trường cùng các đại biểu, thí sinh đang theo dõi tại các điểm cầu trực tuyến.
47 giải thưởng chính thức và 2 giải thưởng bình chọn dành cho bài viết và clip được nhiều người yêu thích nhất đã được Ban Tổ chức Cuộc thi trao tặng. Giải Đặc biệt thuộc về ông Phạm Bá Lấn, Hội Sân khấu Việt Nam. Giải Nhất thuộc về bà Vũ Thị Điềm, cán bộ hưu trí, người đã nhận Giải thưởng Kôvalepxkaia năm 1998 và chị Đỗ Thị Năm, Hội Người mù Việt Nam.
Đại diện các thí sinh tham dự cuộc thi, ông Phạm Bá lấn và chị Đào Khánh Linh đã bày tỏ cảm tưởng và cảm ơn tới Ban Tổ chức cuộc thi.
Chị Lê Dương Thể Hạnh, năm nay 41 tuổi- một tác giả khiếm thị, một thí sinh của cuộc thi đã gửi tới Ban Tổ chức thư cảm ơn, trong đó có đoạn: Với một người khuyết tật nặng như tôi – tai trái điếc, hai mắt mù, chân không đi lại được, phát âm không rõ lời… thì đây là một nguồn động viên vô giá để tôi vun bồi niềm tin vươn lên sống có ích cho cộng đồng.
Tự đáy lòng, tôi xin gửi trao lòng tri ân sâu sắc đến Ban Tổ chức nói chung và Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà nói riêng, đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích và đong đầy yêu thương cho tất cả mọi người, đặc biệt là người khiếm thị chúng tôi.
Tôi ngồi ngẫm lại đời mình
Sinh – lão – bệnh – tử thường tình thế gian
Ích gì chán nản, kêu than?
Xuyên qua bóng tối, xua tan đêm dài
“Cùng bạn đọc sách” sánh vai
“Vượt qua thử thách”, nắng mai chan hòa
Bình minh rộn tiếng chim ca
Niềm tin, hy vọng… nhắc ta yêu đời
Lời mẹ tha thiết à ơi
Lời kênh sách nói muôn nơi đón chào…
Cuộc thi đã thực sự trở thành một diễn đàn, một sân chơi bổ ích để các thí sinh tham gia lan tỏa, nâng cao ý thức tự học và tinh thần học tập suốt đời của các cá nhân ở các tầng lớp khác nhau và đối tượng người khuyết tật đã có thêm cơ hội để bày tỏ suy nghĩ và nguyện vọng được hỗ trợ để học tập suốt đời, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Hà Phương