Bước vào một cuộc hôn nhân, có lẽ nhiều người sẽ vỡ mộng. Cuộc sống hôn nhân và gia đình có thể có nhiều trắc trở, va vấp nhất định. Rồi đến khi hai người có em bé, trách nhiệm, áp lực lại tiếp tục lớn dần lên, dường như xoáy sâu vào cuộc sống của những người phụ nữ. Những mong ước, niềm tin không mấy hữu ích có thế quấn vào trong tâm trí, rồi cả những cơn giận dữ có thể bùng lên bất cứ lúc nào ở cả người vợ lẫn người chồng. Cứ thế, một vòng lặp tẻ nhạt, một thói quen tiêu cực sẽ hình thành trong cuộc sống hôn nhân, rồi dẫn đến việc cả hai vợ chồng đưa nhau vào thế bí, khăng khăng với những định kiến về đối phương.
Mặt khác, Phật pháp đưa ra những kiến thức không chỉ áp dụng cho những những người tu hành, mà cho cả những người bình thường, đang trong một mối quan hệ hôn nhân. Một trong những kiến thức hữu ích đó là Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế). Bốn Sự Thật không chỉ là bài học vô giá cho con người 2.500 năm trước, mà cho cả con người ngày nay nói chung, và những cặp vợ chồng nói riêng.
Tác giả Sarah Napthali đã tập hợp những trải nghiệm của chính bản thân và nhiều người phụ nữ khác trong cuộc sống hôn nhân, đồng thời lồng ghép những triết lý Phật giáo và cả những yếu tố tâm lý để viết nên cuốn sách Vị Phật ở chung nhà. Cách áp dụng những giá lý nhà Phật mà tác giả đề cập sẽ giúp mỗi người vợ/chồng nhận ra những sai lầm bản thân mắc phải, từ bỏ những thói quen vô ích, và rồi giúp giữ gìn đời sống hôn nhân của họ. Cuộc sống hôn nhân sẽ trở nên hạnh phúc hơn.
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Từng có một câu chuyện về Phật pháp nổi tiếng như sau: “Hai nhà sư, một già, một trẻ đang đi hành hương khi họ ghé ngang qua một con sông chảy xiết. Trên bờ sông, một người thiếu nữ trẻ đẹp đang khóc than. Vì không biết bơi, nên cô không tài nào qua sông nổi. Cô liền nhờ hai sư thầy giúp mình vượt sông. Vị sư già liền cõng cô lên vai và đưa cô băng qua sông, trước khi nói lời chào tạm biệt. Hai tiếng sau, vị sư già để ý thấy bạn đồng hành có vẻ im lặng, liền cất lời hỏi lý do. Nhà sư trẻ nói: “Người đã phá luật khi cõng cô gái đó qua sông. Chúng ta đâu có được phép chạm vào người phái nữ?” Thấy vậy, nhà sư già đáp: “Vậy là người vẫn còn đưa cô ấy theo sao? Ta thì đã tạm biệt cô ấy từ hai tiếng trước rồi!”
Tôi thường nghĩ tới câu chuyện này khi thấy bản thân mình, cũng như vị sư trẻ tuổi kia, đắm chìm vào lỗi lầm đã qua của những người xung quanh. Đây cũng là một bài học: Nếu cứ cố chấp với quan niệm của mình, như sư thầy trẻ trước những nguyên tắc của bản thân, ta sẽ khó đối diện được tình hình thực tế một cách khôn ngoan.
Sự Thật Cao Quý Thứ Hai nói rằng càng vương vấn sẽ càng gặp nhiều khổ đau. Chính vì vậy, khi ta cứ bấu víu vào những điều mang nhiều biến động, chỉ vì những ảo tưởng ta đặt ra về chính mình, ta sẽ không tránh khỏi đau buồn. Phiên bản đầy đủ của Sự Thật Cao Quý Thứ Hai: “Nguyên do của khổ đau là chấp niệm, nên phải học cách buông bỏ”. Buông bỏ những chấp niệm, theo lời Phật dạy, chính là cách để thoát khỏi dukkha – đau khổ.
Ví dụ, ta có thể buông bỏ những mong đợi của bản thân về mối tình của mình. Điều này không có nghĩa là ta nhượng bộ, để mặc ai muốn làm gì tùy ý, mà biến những mong đợi này thành sở thích, thay vì trở thành những điều phải-có khiến ta trăn trở suy tính.
Trong cuốn sách Committed (tạm dịch: Gắn bó) của mình, nói về bản chất của hôn nhân qua các nền văn hóa và các niên đại khác nhau, tác giả Elizabeth Gilbert đã tìm tới phía Bắc Việt Nam, để phỏng vấn vài người phụ nữ thuộc dân tộc H’Mông. Những câu hỏi của cô về việc cưới xin, như “Với bạn, đâu là bí quyết để gìn giữ hạnh phúc gia đình?” hay “Chồng bạn có phải là một người chồng tốt không?”, đều được đáp trả bằng những tràng cười lớn, hoặc vẻ mặt khó hiểu của mỗi người. Cô kết luận: “Gặp được những người H’Mông ngày hôm ấy nhắc tôi nhớ về một câu ngạn ngữ cổ: ‘Gieo chờ mong, hái thất vọng’. Người bạn H’Mông của tôi từ tấm bé chưa từng được dạy rằng nghĩa vụ của chồng mình là khiến cô hạnh phúc… Chưa từng mong đợi những điều viển vông, nên cô cũng chẳng còn lạ lẫm gì trước thực tế của cuộc hôn nhân này”.
Người H’Mông chắc chắn không phải tộc người duy nhất có cái nhìn thực dụng như vậy về hôn nhân. Thật quá là “Tây” khi kỳ vọng quá nhiều ở đối phương. Những người Tây Âu thường mong chờ sự lãng mạn, sự hỗ trợ về mặt cảm xúc, một tình bạn, một đời sống tình dục viên mãn, những cuộc trò chuyện thú vị, sự chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi dạy con, và hơn thế nữa. Không cần bàn cãi, những kỳ vọng này là quá nhiều cho một mối quan hệ. Hơn nữa, con người mới chỉ mong muốn nhiều đến vậy trong khoảng 200 năm qua trong lịch sử loài người. Ngay cả phương Tây, suốt phần lớn các thời kỳ lịch sử, đều vô cùng thực dụng trong việc cưới hỏi nhằm mục đích vì tiền tài hay địa vị. Vậy nên, những mong đợi này không chỉ là nét đặc trưng trong đời sống phương Tây, mà còn khá mới mẻ trong dòng chảy của lịch sử. Và tỷ lệ ly hôn tăng chóng mặt đã cho thấy hệ quả khôn lường của lối tư duy này.
Bài này được xem 556 lần