Lâm Ngữ Đường là một tác giả quen thuộc, được nhiều người yêu mến ở Việt Nam. Ông sinh năm 1895 và mất năm 1976. Lâm Ngữ Đường là một học giả, một nhà văn Trung Quốc có công lớn trong việc giới thiệu văn hóa Trung Quốc ra thế giới qua những tác phẩm viết bằng tiếng Anh, bàn về nghệ thuậtvăn hóa và nhân sinh quan của người Trung Quốc. Ông đã từng học tại trường đại học Thánh John ở Thượng hải rồi du học tại các trường đại học Âu Mĩ như Harvard, Iena, Leipzig, chuyên về ngôn ngữ học, về nước làm giáo sư đại học Bắc Kinh và chủ biên ba tạp chí văn học, nổi danh nhất là tạp chí Luận ngữ. Ông từng làm Trưởng ban Nghệ thuật và Văn chương UNESCO. Tư tưởng của ông nhiếu khi sâu sắc và văn lại rất dí dỏm cho nên rất nhiều người yêu thích. Ông viết nhiều cuốn sách bằng tiếng Anh để giới thiệu văn hóa Trung Hoa với thế giới. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác.

Cuốn The importance of Living, đã đứng đầu trong số những sách bán chạy nhất ở Mỹ năm 1938. Cuốn sách này đã được Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt với nhan đề Sống đẹp. Nguyễn Hiến Lê rất tâm đắc với cuốn sách và đã tâm sự trong lời tựa như sau:

“Tôi đã đọc nhiều cuốn viết về Nghệ Thuật Sống nhưng không cuốn nào có một tầm quan trọng và làm cho tôi suy nghĩ nhiều bằng cuốn này. Những cuốn khác do người Âu hay Mỹ viết đều chú trọng đến sự thành công, đưa ra những qui tắc thực tế về cách luyện trí, luyện tinh thần, xử thế và làm việc, cho nên tuy hữu ích thật nhưng không để lại nhiều dư âm trong hồn ta…Tác giả, Lâm Ngữ Đường, vượt lên trên tất cả kĩ thuật đó mà cơ hồ ông cho chỉ là những chi tiết; ông muốn nhìn bao quát cả vấn đề Sống, đặt một cơ sở cho vấn đề đó, mà hễ cơ sở đã vững rồi thì chi tiết chẳng cần vạch rõ cũng thấy. Vì chỉ có Sống mới là quan trọng, mà nhiều người ngày nay quên hẳn điều đó đi, quên rằng dù mình làm việc hay tiêu khiển, dù mình trau dồi tâm trí, dựng nên những học thuyết triết lí, xã hội, kinh tế hay chính trị … cũng chỉ để phục vụ sự Sống, để duy trì đời Sống, cải thiện nó, làm cho nó phong phú lên, dễ chịu hơn, cao đẹp hơn; tóm lại là chúng ta tìm cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ không phải vì cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ mà vì sự SỐNG”.

Thấm thía về những điều hay, bổ ích từ cuốn sách “Sống đẹp”, chúng tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách của Lâm Ngữ Đường do Nguyễn Hiến Lê dịch, nxb Văn hóa ấn hành năm 1999. Sách gồm 360 trang, chia thành 14 chương.

Từ những vấn đề chung, Nhận thức, Quan niệm về nhân loại, Lâm Ngữ Đường đã đề cập đến những vấn đề cụ thể: Lạc thú ở đời, cần biết nhàn tản, lạc thú gia đình, hưởng thụ ở đời, hưởng thụ thiên nhiên, văn hóa, thú du lãm, nghệ thuật tư tưởng…vv Cuốn sách chia sẻ những những kinh nghiệm của bản thân tác giả về tư tưởng và đời sống. Ông đã tâm sự: “Sau nhiều năm nghiên cứu văn học và triết học Trung Hoa, tôi thấy lí tưởng cao nhất của họ là con người đạt quan, sáng suốt tỉnh ngộ, nhờ vậy tư cách của họ mới được phần cao thượng, mà họ mới có thể tiến trên đường đời với một tinh thần phúng thích ôn hòa, mới có thể tránh được những dụ dỗ của danh lợi mà biết lạc thiên tri mệnh.”. Với Lâm Ngữ Đường: “người có giáo dục, học vấn là người biết phân biệt thị phi, yêu cái đáng yêu, ghét cái đáng ghét”.

Mặc dù cuốn sách đã ra đời từ cách đây hơn 80 năm, nhưng những giá trị của nó vẫn còn, thâm thúy và sâu sắc.

Thúy Ngà

Bài này được xem 455 lần