Nhìn lại chặng đường hình thành, phát triển văn hóa lì xì sách Tết, nhiều người kỳ vọng nét đẹp này sẽ ngày một lan rộng và góp phần bồi đắp đời sống tinh thần người Việt.

Tối ngày 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024) Thái Hà Books đã tổ chức buổi giao lưu, trò chuyện đầu năm về văn hóa Tết sách, mừng tuổi sách, lì xì sách. Chương trình có sự tham gia của GS Phan Văn Trường – người sáng lập Hệ sinh thái Cấy nền, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty sách Thái Hà, nhà báo Trung Nghĩa – Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM cùng nhiều độc giả.

Hành trình lan tỏa văn hóa đặc biệt

Từ khi hình thành đến nay, văn hóa lì xì sách đã phát triển và dần trở thành điểm nhấn của ngày Tết với nhiều bạn đọc. Trong buổi giao lưu, TS Nguyễn Mạnh Hùng đã cùng độc giả nhìn lại hành trình lan tỏa đặc biệt này.

Chương trình diễn ra trên nền tảng Zoom, phát sóng trực tiếp trên facebook.

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết lần đầu ông và công ty sách Thái Hà khởi tạo hoạt động lì xì sách là ngày văn hóa đọc 23/4/2008, có sự tham gia của đại sứ các nước và những người làm bản quyền sách thế giới. Sau đó dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, năm 2010 Thái Hà lại tổ chức lì xì 1.000 cuốn sách, độc giả xếp hàng đón đợi.

Từ đó, văn hóa lì xì sách đã ngày một lan rộng đến các địa phương, trường học. Xuân năm nay, ông Hùng vui mừng cho biết rất nhiều đơn vị làm sách hưởng ứng phong trào lì xì sách Tết như Alphabooks, NXB Trẻ…

Chị Thu Nga nhiều năm sinh sống tại Đức chia sẻ ở nước ngoài đôi khi để có một cuốn sách tiếng Việt là điều xa xỉ với người lao động phổ thông. Năm nay chị có ít sách tặng, bạn bè đều đón nhận rất nồng nhiệt và trân quý. Chị hy vọng văn hóa lì xì sách Tết cũng sẽ lan rộng hơn nữa ở cộng đồng kiều bào, từ đó góp phần chăm sóc đời sống tinh thần, hun đúc hồn Tết Việt nơi xứ người.

Độc giả Quang Vũ kể năm nay là lần đầu anh mang hơn 20 quyển sách về quê lì xì trẻ nhỏ. Ban đầu anh sợ các em không thích, nhưng khi hỏi chọn sách hay tiền lì xì, các bé đều chọn sách. Anh được dịp vui vẻ ghi lời đề tặng các quyển sách và trao cho các em.

Đáp lại thắc mắc nếu lỡ lì xì sách mà người nhận không ưa thích, Đại sứ Văn hóa đọc Trung Nghĩa cho rằng sách là món quà tinh thần rất đặc biệt, không như tiền bạc hay đồ ăn thức uống. Do đó người nhận có thể không thích sách, nhưng được lì xì sẽ khởi tạo một sự lưu tâm đến việc đọc, từ đó lại bắt đầu tìm tòi tri thức ở sách để gia tăng vốn sống và hiểu biết.

Hoặc cuốn sách đôi khi không đúng chủ đề mình yêu thích, nhưng có thể tặng lại, hoặc tình cờ gặp được người cần thì họ sẽ rất vui. Các diễn giả và người tham dự đều bày tỏ kỳ vọng văn hóa lì xì sách Tết sẽ ngày một được đón nhận và lan tỏa mạnh mẽ.

Lì xì sách Tết góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc

Không chỉ lì xì sách, việc chọn sách đọc đầu năm mới cũng là một câu hỏi nhiều độc giả lưu tâm.

Đại sứ Văn hóa đọc Trung Nghĩa chia sẻ về hai cuốn sách anh nghĩ rất phù hợp để đọc dịp Tết. Một quyển là Hơn cả hạnh phúc (Antonia Macaro) mà theo anh “mang tính triết lý, nói về tôn giáo nhưng dễ đọc”.

Anh đặc biệt tâm đắc với chương 7 “Gạt bỏ bụi trần” hướng dẫn con người tìm chọn mô hình phù hợp với cuộc sống của mình, và chương cuối là những suy tưởng giúp ta hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh tâm niệm những tác phẩm như vậy sẽ giúp độc giả nhìn lại một năm đã qua và hướng đến năm mới hạnh phúc.

Nhà báo Trung Nghĩa chia sẻ hình ảnh đọc sách Hơn cả hạnh phúc trên trang cá nhân. Ảnh: FBNV.
Nhà báo Trung Nghĩa chia sẻ hình ảnh đọc sách Hơn cả hạnh phúc trên trang cá nhân. Ảnh: FBNV.

Ngoài ra, anh Nghĩa giới thiệu ấn phẩm Tết Việt – tuyển tập các bài viết miêu tả đa dạ phong tục tập quán lưu truyền ở vùng thôn quê Việt Nam, thể hiện được tinh thần yêu nước, khát vọng gìn giữ truyền thống quý báu của dân tộc.

Anh cũng nhận định những cuốn sách hình thức đẹp tương tự sẽ là món đồ trưng bày trang nhã, thanh tao ngày Tết.

GS Phan Văn Trường nhìn rộng ra về việc làm sách và đọc sách. Theo ông, lì xì sách Tết nói riêng và lan tỏa văn hóa đọc nói chung là góp phần tôn vinh và truyền giữ tiếng Việt. Đồng thời, cũng là để củng cố căn tính dân tộc, một điều rất cần thiết trong xã hội toàn cầu hóa.

Ông cho rằng không nên chỉ tập trung vào những “cánh chim đầu đàn”, mà nên hướng về “cánh chim cuối đàn”. Theo đó, cần có những đầu sách viết ở ngôn ngữ bình dị, dễ đọc, dễ cầm, dễ mua, dễ tặng để sách thực sự tiếp cận được với đông đảo độc giả.

nguồn:https://znews.vn/van-hoa-li-xi-sach-lan-rong-trong-tet-giap-thin-post1460040.html

Bài này được xem 224 lần