“Điện thần và nghi thức hầu đồng”, “Thánh Mẫu linh tiêm” không chỉ là tư liệu của giới nghiên cứu, mà còn giúp nhiều người biết về cách thức, nghi lễ của hoạt động hầu đồng.
Trong bối cảnh hầu đồng xuất hiện “mỗi nơi một kiểu”, bộ sách hai cuốn Điện thần và nghi thức hầu đồng cùng Thánh Mẫu linh tiêm cung cấp thông tin quý về cách thức, nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu.
TS Nguyễn Thị Hiệp, nghiên cứu viên khoa Lịch sử và Văn bản học, Viện khảo cứu Cao cấp Pháp (EPHE), người tham gia dịch và viết nghiên cứu dẫn nhập cho hai công trình, trao đổi về vai trò của bộ sách.
Chuyên khảo nền tảng về tín ngưỡng thờ Mẫu
– Bà đánh giá như thế nào về bộ sách hai cuốn “Điện thần và nghi thức hầu đồng” và “Thánh mẫu linh tiêm”?
– Đây là hai cuốn sách có nội dung liên quan trực tiếp đến tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Cuốn Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam có ba nội dung chính: Một phần nghiên cứu lịch sử và nghi thức hầu đồng, một phần các bài chầu văn bằng chữ Nôm và Quốc ngữ, một phần ảnh chụp những buổi hầu đồng ở nhà riêng hoặc ở đền phủ vào những năm 40-50 của thế kỷ 20.
Chưa kể đến nội dung nghiên cứu mang tính chất nền tảng, chỉ riêng giá trị lịch sử và văn bản của chuyên khảo cũng đã đáng được tôn vinh rồi.
Còn cuốn Thánh mẫu linh tiêm được phát hiện tại đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn, là một bộ mộc bản, nghĩa là văn bản khắc trên ván gỗ. Thánh Mẫu linh tiêm là sự bổ sung tuyệt vời cho cuốn Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, là sự cộng hưởng giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Vì thế, cả hai được xuất bản thành bộ sách như chúng ta thấy hiện nay.
– Công trình “Điện thần và nghi thức hầu đồng” của Maurice Durand đã xuất bản tiếng Pháp hơn 60 năm trước. Công trình này mang lại giá trị gì khi được dịch và xuất bản tiếng Việt hiện nay?
– Công trình này được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ấn hành năm 1959, nghĩa là đã 62 năm trôi qua. Theo tôi được biết, trước đó, chưa có công trình nghiên cứu nào đầy đủ và chi tiết như vậy về chủ đề này mà chỉ có những ghi chép lẻ tẻ.
Tuy là công trình nghiên cứu có giá trị, nó được viết bằng tiếng Pháp nên rất ít người có thể đọc tham khảo nguyên bản. Số lượng người Pháp quan tâm vấn đề này của Việt Nam không nhiều, giới nghiên cứu Việt Nam hiện nay khá ít người thành thạo tiếng Pháp, vì thế việc dịch cuốn sách này sang tiếng Việt là cần thiết.
Nó không chỉ dành cho giới nghiên cứu chuyên ngành mà còn cho những độc giả bình thường, những tín đồ đạo Mẫu trong cả nước.
– Bộ sách có ý nghĩa gì với giới nghiên cứu và bạn đọc phổ thông trong bối cảnh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
– Đối với bộ sách này, giới nghiên cứu có thể khai thác khía cạnh lịch sử tôn giáo, nghi lễ, văn bản (chầu văn bằng chữ Nôm)… của công trình vì đây là một chuyên khảo mang tính nền tảng. Ngoài ra, giới nghiên cứu cũng có thể so sánh với cùng khía cạnh của đạo Mẫu hiện nay để thấy được quá trình phát triển của tín ngưỡng này.
Đối với bạn đọc phổ thông, công trình này giúp họ hiểu hơn về lịch sử một tín ngưỡng mà có thể họ đã được chứng kiến hàng ngày trên địa phương của mình nhưng không hẳn hiểu hết được và đôi khi còn cho là những thứ tầm phào.
Cuốn sách này sẽ cho bạn đọc thấy nguồn gốc sâu xa của hiện tượng hầu đồng và có thể sẽ thay đổi cách nhìn về hoạt động này.
Với tín đồ đạo Mẫu và tầng lớp thanh đồng, có thể nói đây là một “kho báu”. Trong tình trạng hầu đồng xuất hiện tự phát khắp nơi và “mỗi nơi một kiểu” như hiện nay, cuốn sách này sẽ cung cấp thông tin quý về cách thức, nghi lễ của hoạt động hầu đồng truyền thống.
Họ sẽ nắm được những kiến thức cơ bản nhất về nhập môn hầu đồng cho những người mới bắt đầu, những nghi thức cơ bản và nguyên sơ nhất trong hoạt động hầu đồng, trang phục truyền thống cho thanh đồng, nghi lễ vật phẩm trong các giá đồng…
Những kiến thức này chưa từng được ghi chép một cách tỉ mỉ, cụ thể trước năm 1959 ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vì nó đáp ứng được nhiều tiêu chí, trong đó có nhu cầu tinh thần, hệ thống nghi lễ, văn bản… và được công nhận bởi nhiều nhà nghiên cứu có uy tín. Tôi tin rằng trong đó có phần đóng góp quan trọng của Maurice Durand ở công trình này.
Xin nói thêm bộ sách này đã được chọn làm ấn phẩm ra mắt của dự án Vietnamica, do GS Philippe Papin (Viện Khảo cứu cao cấp Pháp) làm chủ nhiệm. Dự án quy tụ các nhà nghiên cứu về di sản văn bia, số hóa tư liệu khoa học xã hội Việt Nam và đào tạo nghiên cứu sinh thạc sĩ thuộc chuyên ngành này.
– Với bạn đọc ngày nay, có thể cái tên “Thánh Mẫu linh tiêm” gây khó hiểu. Bà có thể giới thiệu ngắn gọn về cuốn sách này?
– Đúng vậy, không chỉ tiêu đề gây khó hiểu mà kể cả khi đọc toàn văn rồi vẫn thấy… khó hiểu! Nó không chỉ khó hiểu đối với bạn đọc phổ thông mà còn đối với cả các nhà nghiên cứu chuyên ngành.
Nghĩa của từ “linh tiêm” trước hết liên quan chữ “tiêm”. “Tiêm”, còn đọc là “thiêm”, nghĩa là chiếc thẻ tre, tiếng Việt gọi là “thẻ” hoặc “xăm”. Xưa, trong các đền, điện, quán, chùa… người ta dùng các thẻ tre có đánh số ký hiệu, tương ứng với mỗi ký hiệu là một nội dung nhất định, để bói việc tốt xấu, coi đó là sự phán bảo của thần, Phật. Do vậy, các thẻ đó được gọi là “linh tiêm” (nghĩa là thẻ thiêng), cũng có khi gọi là “thần tiêm” (nghĩa là thẻ thần), “thánh tiêm” (nghĩa là thẻ thánh), “tiêm thi” (nghĩa là thơ trên thẻ tre)…
Vậy Thánh Mẫu linh tiêm có thể dịch nôm na là “Thẻ thiêng của Thánh Mẫu”, nhưng chúng tôi chọn dùng tiêu đề từ nguyên văn để giữ lại tính linh thiêng kỳ bí của loại di sản vật thể này.
Mộc bản Linh tiêm đền thiêng Bắc Lệ Công Đồng hiện còn 24 ván in, mỗi ván in gồm hai mặt, tổng cộng gồm 48 linh tiêm. Tuy nhiên, xem thứ tự các ván in và các linh tiêm, số thứ tự các linh tiêm bắt đầu từ 01 đến 50. 01 ván (hai mặt) khắc linh tiêm thứ 05 và 06 đã mất, chia làm ba loại: Thượng (tốt), trung (trung bình) và hạ (xấu).
Tuy các bộ thẻ mang tên gọi Thánh Mẫu linh tiêm hay Bắc Lệ Công Đồng linh từ linh tiêm, nội dung lại không hề nhắc đến Thánh Mẫu, đền Bắc Lệ hay các thần linh thuộc đạo Mẫu.
Có lẽ các bộ này có tiêu đề như vậy là do thần linh được cầu khấn khi xin quẻ/thẻ là Thánh Mẫu và ở các đền thờ thần linh không chỉ liên quan đạo Mẫu.
Đặc điểm này của linh tiêm phù hợp tính nguyên hợp của tín ngưỡng dân gian Việt Nam do tính khả dụng cao. Cùng một lượng thẻ bói có thể sử dụng trong các đền, phủ, chùa, miếu khác nhau thờ các vị thánh thần thuộc nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Công sức của cả nhóm nghiên cứu, chuyển ngữ
– Quá trình chuyển ngữ, bà gặp khó khăn gì và vượt qua trở ngại như thế nào?
– Xin lưu ý rằng bộ sách này là công sức của cả một tập thể, không chỉ của riêng tôi. May mắn của tôi là có được nhiều đồng nghiệp ủng hộ và cùng tôi thực hiện công việc này qua nhiều năm mới có được ấn bản như hiện có.
Cụ thể, cuốn Thánh mẫu linh tiêm, TS Phạm Văn Ánh (Viện phó Viện Văn học) là người trực tiếp rập mộc bản ra giấy và dịch từ văn bản chữ Hán. Tôi chỉ là người đồng hành trong công việc và cùng viết bài nghiên cứu dẫn nhập.
Riêng về cuốn Điện thần và nghi thức hầu đồng, GS Philippe Papin của Viện Khảo cứu cao cấp Pháp, PGS Olivier Tessier của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và ông Marcus Durand (con trai của tác giả) đã đồng hành cùng tôi trong vòng hai năm thực hiện bản dịch này.
Mỗi khi có thuật ngữ khó, những vấn đề không am tường, tôi đều tham khảo ý kiến của nhóm. Chẳng hạn, chúng tôi đã mất nhiều thời gian để thống nhất nhan đề sách. Nguyên văn tiếng Pháp là Techniques et panthéon des médiums vietnamiens. Nếu dịch sát nghĩa thì sẽ là “Kỹ thuật và điện thờ của thanh đồng Việt Nam”.
Tuy nhiên, nội dung cuốn sách lại không chỉ đề cập “kỹ thuật hầu đồng” mang tính máy móc của các ông bà đồng khi hành lễ mà là cách thức và cả một hệ thống nghi lễ phong phú với sự tham gia của cả một tập thể những người tổ chức, phụ tá, chơi nhạc, hát chầu văn…
Và điện thờ không chỉ là một bàn thờ, đền điện hay phủ thờ Mẫu, mà là cả một hệ thống thần linh đạo Mẫu có phân cấp bậc cụ thể được tôn thờ với những nghi lễ, vật phẩm, trang phục hầu đồng khác nhau.
Vì thế, sau nhiều lần thảo luận, suy ngẫm, chúng tôi đã đi đến quyết định dịch nhan đề là “Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam” vì nó bao quát được nội dung gồm cả điện thờ, hệ thống thần linh và hệ thống nghi lễ, không chỉ đối với giới thanh đồng mà đối với tín ngưỡng thờ Mẫu Việt nam nói chung.
Chỉ một ví dụ nhỏ như vậy đủ thấy những khó khăn và trở ngại trong quá trình chuyển ngữ mà người dịch nói chung đều phải đối mặt. Vì thế, những sai sót hay đôi khi sự lựa chọn thuật ngữ không hoàn toàn đích đáng trong quá trình dịch là không thể tránh khỏi.
Rất mong độc giả lượng thứ với các dịch giả nói chung. Một khi những sai sót không ảnh hưởng quá lớn đến nội dung thì đều có thể chấp nhận được, vì không ai dám tự mãn cho rằng mình có thể cung cấp một bản dịch hoàn hảo.
– Maurice Durand đi thực địa để viết “Điện thần và nghi thức hầu đồng”, bà phải tìm hiểu ra sao về tín ngưỡng thờ Mẫu để chuyển ngữ chính xác? Bà có gặp khó khi chuyển ngữ cuốn sách viết về phong tục, tín ngưỡng những năm 1950, cách nay đã 70 năm?
– Cơ duyên là luận án của tôi nghiên cứu về mối quan hệ giữa truyện truyền kỳ và tín ngưỡng dân gian, trong đó có tác phẩm Vân Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm liên quan tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.
Trong vòng nhiều năm, tôi đã lần lượt đi điền dã rất nhiều đền thờ Mẫu nổi tiếng ở miền Bắc như Phủ Dày (Nam Định), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn, nơi tôi phát hiện bộ Thánh Mẫu linh tiêm), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), đền Mẫu (Quảng Bình)… và đã quan sát nhiều nghi lễ hầu đồng ở những địa điểm và thời điểm khác nhau.
Vì vậy, khi chuyển ngữ nội dung cuốn sách của Maurice Durand, tôi cũng đã có chút hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức hầu đồng. Tuy thế, trong quá trình dịch vẫn có một số khó khăn trở ngại như tôi vừa dẫn ví dụ ở trên.
nguồn: https://zingnews.vn/cong-trinh-gia-tri-ve-tin-nguong-tho-mau-post1275223.html
Bài này được xem 856 lần