Hơn 34 năm gắn bó với công tác thư viện, TS. Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, vận động và trao tặng hàng chục vạn cuốn sách cho các thư viện. Chị cũng là người đề xuất xây dựng mô hình “xe thư viện lưu động đa phương tiện”, lập kênh youtube “Cùng bạn đọc sách”, mở rộng các phương thức tiếp cận sách trong cộng đồng.
Hiện tượng ngại đọc trong giới trẻ còn chiếm tỷ lệ cao
Chào chị Thúy Ngà, chị nhận xét thế nào về tình trạng văn hóa đọc hiện nay ở lớp trẻ? Vì sao thư viện vắng bóng các bạn trẻ, phải chăng do thiếu các đầu sách mới mẻ hấp dẫn để thu hút giới trẻ đến với văn hóa đọc?
Tình trạng văn hóa đọc hiện nay ở lớp trẻ có những điểm sáng đáng khích lệ: Số lượng học sinh và sinh viên quan tâm đến việc đọc có sự gia tăng, nhu cầu và thị hiếu đọc cũng phong phú đa dạng hơn. Nhưng thực tế, hiện tượng ngại đọc trong giới trẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều em chưa dành thời gian cho việc đọc sách ngoài sách giáo khoa và tài liệu học tập. Thư viện một số trường đại học chỉ đông vào mùa thi. Thư viện công cộng thường chỉ đông vào dịp hè. Sự thiếu các đầu sách mới mẻ hấp dẫn để thu hút giới trẻ đến với văn hóa đọc chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân chính là do nhận thức của giới trẻ về vai trò của việc đọc còn hạn chế. Đồng thời, áp lực của việc học chính khóa và học thêm còn khá phổ biến khiến cho học sinh không còn thời gian dành cho việc đọc sách. Thực tế cho thấy, việc đọc của học sinh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ định hướng giáo dục của các nhà trường. Tại các trường quốc tế, trường ngoài công lập, với yêu cầu và chỉ tiêu đọc sách được quy định cụ thể gắn liền với học tập, mở rộng và tái hiện kiến thức đã khiến học sinh quan tâm hơn đến việc đọc và thực đọc, thực học.
Từng bước góp phần phát triển văn hóa đọc
Hơn 34 năm gắn bó với công tác thư viện, chị có nhiều sáng kiến thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Trong số các hoạt động hiệu quả đó, chị ưng ý nhất hoạt động nào?
Cả một đời gắn bó với công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trên nhiều phương diện: đào tạo nguồn nhân lực và tham mưu xây dựng chính sách và quản lý nhà nước về thư viện, tôi tâm đắc nhất 3 hoạt động:
Thứ nhất: Trong công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chúng tôi, bao gồm bộ phận tham mưu tại Vụ Thư viện và những người tâm huyết với văn hóa đọc đã góp phần xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thông qua, ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý và động lực cho văn hóa đọc phát triển. Trong đó có thể kể đến: Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Luật Thư viện, Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ và các thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai: Tôi đặc biệt chú trọng đến công tác vận động xã hội hóa. Trong thời gian từ 2015-2020, chúng tôi đã thúc đẩy các chương trình phối hợp công tác nhằm mục tiêu phát triển văn hóa đọc, đặc biệt chú trọng các đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phạm nhân, người dân ở vùng sâu vùng xa… Trong đó có các chương trình phối hợp với Bộ, ngành liên quan, và với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và một số nhà xuất bản…
Bên cạnh đó tôi còn viết đề xuất và vận động xã hội hóa để triển khai một số dự án như: Dự án trang bị xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho các thư viện cấp tỉnh, Chương trình “Cùng bạn đọc sách – Nâng tầm trí tuệ Việt”, thiết lập kênh “Cùng bạn đọc sách: Truyền cảm hứng, Kết nối và Lan tỏa tri thức” dành cho mọi người, quan tâm đặc biệt đến người khiếm thị. Với sự chung tay của Quỹ Thiện tâm, một số nhà sách, tiêu biểu là First New, Alphabook,Tân Việt, các thư viện, nhà hảo tâm và đóng góp của bản thân chúng tôi, các chương trình, dự án này đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Thứ ba: Trong thời gian còn công tác tôi đã tham mưu và trực tiếp tổ chức một số sân chơi lành mạnh để lan toả tình yêu sách, phát triển văn hoá đọc, Diễn đàn, không gian để hoàn thiện kỹ năng. Tiêu biểu như cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc dành cho học sinh, sinh viên; cuộc thi “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương” và “Đọc và tự học theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” dành cho người khiếm thị…
Tôi tâm đắc với những hoạt động trên bởi vì thông qua các hoạt động đó những tâm huyết của cả một đời làm việc của tôi đã trở thành hiện thực và từng bước đã góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo thêm cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời.
Lượng người xem kênh Cùng bạn đọc sách tăng lên hàng ngày
Rất nhiều người yêu sách hơn và thích thú hưởng ứng sáng kiến của chị, trong đó có kênh youtube Cùng bạn đọc sách. Để duy trì sức hút của kênh, chị đã làm cách nào để huy động các thành viên yêu sách tự nguyện làm giúp công việc phi lợi nhuận này?
Ngay từ đầu khi thiết lập kênh youtube Cùng bạn đọc sách tôi đã xác định đây là một hoạt động thiện nguyện. Để huy động các thành viên yêu sách tự nguyện làm giúp quả thật là khó khăn. Thời gian đầu, từ tháng 4 đến 12/2019, kênh chủ yếu gắn với hoạt động thư viện và công tác của Vụ Thư viện. Bắt đầu từ tháng 1/2020, kênh đã mở rộng ra phục vụ cộng đồng với mục tiêu tăng cường thêm việc phổ biến kiến thức, hỗ trợ học tập nâng cao kỹ năng sống, chú trọng nhiều hơn đối với đổi tượng thiếu nhi. Đó là một thách thức không nhỏ đối với tôi. Nhưng bằng sự quyết tâm và sự ủng hộ của các thư viện, bạn bè, đồng nghiệp cùng sự hỗ trợ của các học trò nên tôi đã duy trì và từng bước phát triển kênh. Tôi đã xây dựng một nhóm tình nguyện viên, chủ động lập kế hoạch trong việc xây dựng video clip và mời các cộng tác viên cùng thực hiện. Điều rất cảm động là kênh đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ những người khiếm thị. Không chỉ là người thụ hưởng, nhiều người khiếm thị đã tích cực phối hợp với kênh để tạo video truyền cảm hứng, nghị lực sống, lòng yêu đọc sách đến mọi người và những người đồng tật. Tiêu biểu như: nhạc sĩ – ca sĩ – diễn giả Hà Chương, nhà văn Lê Dương Thể Hạnh, em Nghiêm Thu Loan, sinh viên Đại học RMIT, em Nguyễn Hải Anh…
Đâu là những yếu tố lôi cuốn các độc giả thường xuyên xem kênh youtube Cùng bạn đọc sách, và hấp dẫn lứa tuổi nào nhiều hơn, thưa chị?
Hiện nay đối tượng theo dõi kênh chủ yếu vẫn là người trưởng thành. Yếu tố lôi cuốn bạn đọc chủ yếu là do kênh luôn bám sát hơi thở của cuộc sống. Chúng tôi luôn chú trọng đến việc hoàn thiện các bài giới thiệu và cách thức chọn hình ảnh minh họa sinh động để tạo ra clip sinh động hấp dẫn. Chính vì vậy, tôi đã nhận được nhiều lời cảm ơn từ phía người xem, độc giả. Mỗi khi có ý kiến góp ý, chúng tôi luôn tiếp thu và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện, khắc phục các nhược điểm. Việc mở thêm các chuyên mục của kênh hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của người xem và bạn đọc. Chính vì thế trong thời gian gần đây, góc dành cho thiếu nhi đã được quan tâm nhiều hơn kể từ phía quản trị và người sử dụng kênh. Lượng người xem và đăng ký kênh Cùng bạn đọc sách đã tăng lên hàng ngày, đó là một sự khích lệ lớn đối với chúng tôi.
Hiện chị đang dành tâm huyết cho sáng kiến nào để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng?
Hiện nay tôi vẫn dành sự quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi. Tôi sẽ tiếp tục phát triển kênh Cùng bạn đọc sách, các hoạt động thiện nguyện để mở rộng Chương trình “Cùng bạn đọc sách – Nâng tầm trí tuệ Việt”, viết sách để phổ biến kỹ năng, phương pháp đọc, truyền cảm hứng, tôn vinh các tấm gương ham đọc sách và tự học… Còn có bao khó khăn đặt ra, vì thế tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, chung tay của các tổ chức và cá nhân để cùng nhau góp phần phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Xin cảm ơn TS. Vũ Dương Thúy Ngà.
Hồng Nga (thực hiện)
Theo: baodansinh.vn
Bài này được xem 426 lần